Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cách đây 2 năm, khi nghe một người quen chia sẻ cách dệt thảm chùi chân, chị Thu- chủ quán cà phê Khánh Như ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh quyết định tận dụng khoảng không gian trống của quán làm nơi dệt thảm.
Chị Thu mua lại 3 máy dệt bằng cây đã qua sử dụng, rồi tìm mua vải vụn được cắt ra từ biên vải của các công ty sản xuất vải sợi, sau đó thuê người dệt gia công ăn sản phẩm.
Chị Hồng với công việc dệt thảm tại cơ sở. |
Mỗi tấm thảm được dệt trên 62 sợi vải làm trục. Người dệt dùng chân đạp một sập phía dưới để lần lượt đưa 60 sợi vải ở giữa lên và xuống so le nhau. Cứ đều đặn như vậy, người dệt đưa thoi vải và dùng sức kéo chặt các sợi vải lại tạo thành thảm.
Để sản phẩm bền và đẹp, người dệt thảm phải dùng khá nhiều sức để kéo những sợi vải sát lại. Thảm sau khi dệt ra sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ theo kích thước yêu cầu. Tiền công dệt mỗi tấm thảm là 2.500 đồng. Tiền công không cao, nhưng đổi lại, công việc tự do nên nhiều chị em vẫn đến làm.
Chị Lê Thị Mai Hồng, người gia công dệt thảm ở cơ sở cho biết, chị bắt đầu dệt thảm gần một năm nay. Trước đây, chị làm mướn ở các vườn mãng cầu như tuốt lá, lặt nụ, làm cỏ… nhưng công việc bất tiện hơn so với dệt thảm.
“Dệt thảm thời gian không gò bó, rảnh lúc nào làm lúc đó. Nếu ngày nào khỏe, dây nhợ suôn sẻ không phải nối nhiều, cũng kiếm được 150 - 200 ngàn đồng”, chị Hồng nói.
Theo chủ cơ sở, sau khi trừ chi phí vật liệu, công dệt, vận chuyển, mỗi tấm thảm kiếm lời được chừng 500-1.000 đồng. “Tuy lời ít, nhưng nhờ số lượng bán ra được nhiều nên thu nhập một tháng khoảng 4-5 triệu đồng. Hiện nay, tôi chủ yếu bỏ mối ở chợ Long Hoa (Hòa Thành). Hàng làm ra lúc nào cũng bán được, nhiều khi không đủ để giao”, chị Thu cho biết.
N.D