Nếu có tổ chức được một “đội quân” chuyên quản lý việc đánh bắt và thu phí, thì “đội quân” này cũng không có đủ thẩm quyền pháp lý để xử lý người dân khi họ vi phạm…
>> Kế hoạch thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng: Chưa ổn!
Báo Tây Ninh số ra ngày 29.12.2009 có đăng bài “Kế hoạch thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng: Chưa ổn” của Bảo Tâm. Là người cư trú gần bờ hồ và đã có nhiều năm sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ, tôi thấy cần phải nêu ý kiến, những mong góp ý kiến nhỏ vào việc lập lại trật tự, duy trì kỷ cương trong việc quản lý khai thác nguồn tài nguyên quốc gia tại hồ Dầu Tiếng.
Trong những năm từ 1985 đến 1992, nguồn thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng rất dồi dào, hàng nghìn người tham gia đánh bắt, sản lượng thuỷ sản đánh bắt được đạt hơn 3.000 tấn/năm. Cũng trong thời gian này tỉnh đồng ý cho thành lập hẳn một Công ty nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, với lực lượng có lúc lên đến hơn 60 cán bộ công nhân viên. Thế nhưng với đội ngũ hùng hậu, có trang bị các phương tiện chuyên ngành, kể cả vũ khí quân dụng vậy mà việc quản lý và thu phí của ngư dân cũng không kham nổi. Công ty phá sản buộc phải giải thể; nguồn thuỷ sản trong hồ cạn kiệt, sản lượng đánh bắt tụt xuống chỉ còn 400 tấn/năm.
Thực trạng trong hồ Dầu Tiếng hiện nay, đúng như bài báo phản ánh: “Tình trạng an ninh trật tự trong hồ ngày càng diễn biến phức tạp, một số đối tượng tranh giành, “cát cứ” địa bàn “làm ăn” và mua bán mặt nước. Đồng thời tình trạng sử dụng hoá chất độc hại, ngư cụ cấm để “tàn sát” các loài thuỷ sản ngày càng tăng”. Đặc biệt là đã hết hạn đăng ký phương tiện đánh bắt trong hồ, nhưng “Sau một năm không có ngư dân nào đến đăng ký phương tiện theo yêu cầu”. Như vậy thì thử hỏi, Công ty TNHH-MTV-khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng (gọi tắt là Công ty KTTLDT) dựa trên cơ sở nào và dùng biện pháp gì để thu phí đánh bắt của ngư dân? Và Công ty khẳng định nếu tổ chức thu phí thì Công ty sẽ “lỗ” trên 200 triệu đồng/năm, chưa tính phần phải trích nộp 30% thu được vào ngân sách tỉnh Tây Ninh để tái thả cá xuống hồ. Thật là nghịch lý, thu phí để rồi phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng, thế thì thu để làm gì?
Thả cá bổ sung xuống hồ Dầu Tiếng. |
Bài học “phá sản” của Công ty nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản những năm trước còn đó, lẽ nào đến nay Công ty KTTLDT phải giẫm lại vết xe đi trước? Nếu có tổ chức được một “đội quân” chuyên quản lý việc đánh bắt và thu phí, thì “đội quân” này cũng không có đủ thẩm quyền pháp lý để xử lý người dân khi họ vi phạm, bởi lẽ chức năng quản lý, xử lý người dân thuộc về chính quyền các cấp, mà trước hết là tại cơ sở (xã). Việc không xác định ai là hộ nghèo chuyên sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ, và việc sau một năm Công ty ra thông báo nhưng không một người dân nào đến đăng ký phương tiện theo yêu cầu, đã cho thấy Công ty KTTLDT không thể thực hiện việc quản lý và thu phí trong hồ Dầu Tiếng nếu không có sự tham gia của chính quyền các địa phương xung quanh hồ. Thực tế hàng nghìn người sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ, đang cư trú, và chịu sự quản lý hành chính của 7 xã thuộc địa bàn 2 huyện của Tây Ninh, và 6 xã thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Nên chăng, việc quản lý đánh bắt và thu phí giao hẳn cho chính quyền các xã có diện tích tự nhiên trong hồ và có ranh giới tiếp giáp với hồ, Công ty KTTLDT chỉ cần cử cán bộ hướng dẫn và giám sát việc thực hiện. Các xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức họp toàn bộ ngư dân sinh sống trên địa bàn, tuyên truyền phổ biến và thành lập các nhóm “liên kết”, các tổ “ngư dân tự quản”. Mô hình này có thể xây dựng như mô hình tổ nhóm liên kết, hay tổ nhân dân tự quản ở các địa phương, để người dân tự quản lý, tự điều hành, chính quyền địa phương giám sát, quản lý tổng thể và tổ chức thu phí theo từng tổ, nhóm. Từ những tổ, nhóm liên kết đánh bắt thuỷ sản có thể phát triển thành Hợp tác xã nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản khi hội đủ điều kiện và theo nhu cầu của sự phát triển tất yếu.
NGUYỄN CÔNG DÂN