Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 17.10.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1.12.2016. Các xã đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới cũng như đang xây dựng nông thôn mới trong cả nước đều phải thực hiện theo tiêu chí này.
Nhu cầu nước sạch ngày càng tăng ở nông thôn (ảnh minh hoạ).
THẾ NÀO LÀ NƯỚC SẠCH, HỢP VỆ SINH ?
Chủ tịch UBND một xã đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới nhận định, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới được ban hành tại Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17.10.2016 có những chỉ tiêu mới và cao hơn. Do đó, để được xét và duy trì danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới trong những năm tiếp theo, đòi hỏi cấp xã phải có sự nỗ lực, phấn đấu cao độ của cả hệ thống chính trị cũng như toàn dân địa phương.
Đơn cử như tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Nội dung đầu tiên (17.1) tiêu chí này quy định, tại khu vực miền Đông Nam bộ phải có 98% hộ dân trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định và 65% trở lên sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn 2 Bộ Y tế. Thực tế hiện nay, tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, có xã được đầu tư trạm cấp nước sạch, có xã có hệ thống cấp nước của Công ty cấp thoát nước. Tuy nhiên, tỷ lệ người sử dụng nước máy, nước của trạm cấp nước xã chưa cao, thường chỉ ở một khu vực nhất định, không thể bao phủ hết toàn bộ xã. Phần lớn người dân tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới sử dụng giếng khoan, nước từ giếng khoan được dùng sinh hoạt, ăn uống.
Một người dân ấp Long Đại, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cho biết, do khu vực dân cư địa phương này chưa có hệ thống cung cấp nước máy nên hầu hết các hộ gia đình sử dụng nguồn nước giếng khoan. Thấy nước từ giếng bơm lên trong mát, không có mùi hôi là gia đình sử dụng và cứ cho là nước sạch. Còn nước sạch phải đạt tiêu chuẩn như thế nào, người dân làm sao biết được.
Theo một vị Chủ tịch xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc vùng biên giới, xã chưa có trạm cấp nước sạch nhưng người dân sống rải rác nên khó đầu tư xây dựng trạm cấp nước. Phần lớn các hộ dân đều sử dụng nước giếng khoan, và để xác định nguồn nước người dân sử dụng có đạt tiêu chuẩn hay không, xã không thể thực hiện được mà phải có cơ quan chuyên môn xét nghiệm.
Chỉ riêng tiêu chí về người dân sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo bộ tiêu chí quốc gia mới đã khiến các địa phương “bối rối”.
Tất nhiên, để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đều phải tổ chức thực hiện đạt được tiêu chí trên. Nhưng trước hết, địa phương cần có được sự hướng dẫn, giúp đỡ của các ngành chức năng để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cụ thể, nhằm đạt tiêu chí về người dân sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định. Đồng thời, ngành chức năng cần xem xét xây dựng các trạm cấp nước tại các nơi người dân có nhu cầu sử dụng nước sạch, cũng như Công ty cấp thoát nước cần triển khai mở rộng hệ thống cung cấp nước máy, nhất là tại các xã sát vùng đô thị và cần tính toán làm sao cho việc đi đường ống cung cấp nước thuận lợi để người dân kết nối, Chủ tịch UBND một xã đạt chuẩn xã nông thôn mới ở huyện Hoà Thành kiến nghị.
Một góc xã Bình Minh một trong những xã đạt nông thôn mới của tỉnh.
LÀM SAO KIỂM SOÁT AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM HỘ GIA ĐÌNH ?
Nội dung cuối cùng của tiêu chí 17 bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới quy định, 100% tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây thực sự là tiêu chí đầy thử thách đối với các xã đã đạt, cũng như đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Bởi lẽ, để phân biệt thực phẩm nào đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm nào không đạt thì phải qua khâu lấy mẫu kiểm nghiệm. Nhưng thực tế hiện nay, các xã đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong xã đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay không chỉ qua… cảm nhận bằng giác quan. Ngoài ra, còn phải xem xét yếu tố “100% hộ gia đình”. Làm sao để quản lý hàng ngàn hộ gia đình trong xã sử dụng thực phẩm có tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm hay không?
Một tiêu chí nữa về môi trường là tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường đạt 80% trở lên. Đây là một vấn đề khá nan giải, bởi đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay, việc đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường không hề đơn giản, nhất là về vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống hầm chứa chất thải, xử lý chất thải biogas…
Trong khi đó, tiêu chí về chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định mới cũng hết sức cam go. Qua trao đổi với Chủ tịch UBND một vài xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, được biết hiện nay, các cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn đều có hệ thống xử lý nước thải, thế nhưng ở khu dân cư, nước thải sinh hoạt của người dân thông thường thải ra các hố ga do gia đình tự thiết kế hoặc thải ra mương công cộng.
Hầu như chưa có xã nào xây dựng hệ thống thu gom để xử lý nước thải tại khu dân cư. Rõ ràng, việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải hết sức tốn kém, cấp xã không thể đủ khả năng đầu tư xây dựng và vận hành thường xuyên, liên tục.
Dù bộ tiêu chí mới có những tiêu chí cao hơn, phải phấn đấu nhiều hơn để đạt được, nhưng theo Chủ tịch UBND một xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương vẫn phải huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí trên. Hiện các xã đang chờ hướng dẫn chi tiết của các ngành liên quan đối với các tiêu chí trong bộ tiêu chí mới về xã nông thôn mới để có kế hoạch thực hiện, nhằm phấn đấu đạt chuẩn cũng như duy trì, giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới với quyết tâm cao nhất.
Đường nông thôn tại xã nông thôn mới Phước Đông, huyện Gò Dầu.
KHÔNG CHẠY THEO THÀNH TÍCH
Tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh tháng 1.2017, đối với kế hoạch thực hiện Chương trình nông thôn mới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020, có nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan về các vấn đề như: Chỉ tiêu các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn sắp tới; vấn đề nâng thu nhập bình quân đầu người; việc trích 80% nguồn thu từ đất để lại cho địa phương thực hiện xây dựng NTM; nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM; giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn mới...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, khi thực hiện xây dựng NTM phải tập trung làm quyết liệt và phải duy trì, phấn đấu để nâng cao chất lượng xã NTM, không được buông lỏng. Đồng thời cần rà soát lại quy hoạch xây dựng NTM theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp. Trong thực hiện cần tập trung để đạt kết quả nhưng tránh hình thức.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, khi xây dựng NTM, cần nghiên cứu tính toán các khoản đóng góp của dân trên tinh thần tự nguyện cho từng khoản và được HĐND xã thông qua. Cần huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác và huy động tối đa các nguồn lực. Song song đó, cần phải rà soát và khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng NTM nếu có.
THIÊN TÂM