Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: 'Nói giá xăng tăng cao hơn thế giới là sai'
2010-03-24 11:25:00

Thừa nhận tăng giá xăng vào thời điểm ra Tết là khá nhạy cảm, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, giá xăng trong nước vẫn tăng thấp hơn so với thế giới.

HTML clipboard

Từ 15.10.2009 đến nay, giá xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh với số lần tăng áp đảo lần giảm, khiến nhiều người lo ngại về cơ chế tăng giá, cũng như việc quản lý điều hành kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, lần tăng giá xăng ở mức là 590 đồng mỗi lít vào ngày 21.2 (mùng 8 Tết), được nhiều người đánh giá là thời điểm khá nhạy cảm, gây ra tâm lý không tốt cho người tiêu dùng.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến do website Chính phủ tổ chức về điều hành chính sách giá mặt hàng xăng dầu hôm nay, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - ông Bùi Ngọc Bảo giải thích, nguyên nhân dẫn đến giá xăng dầu tăng chủ yếu do giá quốc tế và các yếu tố tác động như việc điều chỉnh giá. Ông Bảo minh họa: "Hai lần điều chỉnh tỷ giá vào ngày 26.11 và 11.12.2009 cùng với giá xăng dầu thế giới tăng cao cũng như khoản trích lập quỹ bình ổn giá tăng từ 200 đến 300 đồng đã tác động buộc giá thành xăng dầu trong nước tăng", ông Bảo nói.

Từ 15.10 đến nay, giá xăng dầu đã 5 lần điều chỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, trên thực tế, giá xăng tăng vẫn thấp hơn giá thế giới. Ông Tú minh họa, nếu lấy ngày 15.12.2009 làm mốc, giá xăng thế giới bình quân 30 ngày là 79,576 USD mỗi thùng. Ngày 14.1 tăng giá lần đầu, giá thế giới bình quân 30 ngày là 82,026 USD mỗi thùng. Như vậy, trong khi giá thế giới tăng 3%, doanh nghiệp trong nước chỉ tăng từ 2,8% (từ 15.950 đồng lên 16.400 đồng). Tương tự như vậy, từ ngày 14 đến 24.1, giá xăng thế giới tăng 3,9%, giá xăng trong nước chỉ tăng 3,6%. "Nói giá xăng tăng giá cao hơn giá thế giới là không đúng, do hiểu sai về phương pháp tính. Chúng ta tính giá là giá bình quân trong 30 ngày. Lấy giá một thời điểm cụ thể là không chính xác", ông Tú cho hay.

Theo ông Tú, số lần tăng giá xăng dầu vừa qua đúng quy trình và mức độ cho phép. Về thời điểm, ông Tú thừa nhận, việc chọn ngày đầu tiên đi làm sau một kỳ nghỉ Tết dài để tăng giá, đứng dưới góc độ nào đó quả là “nhạy cảm” bởi người dân chưa thực sự quen với việc xác định giá xăng dầu theo thị trường. "Cũng như gạo, xăng dầu là một mặt hàng khá nhạy cảm. Chúng ta đã quen dần với việc điều chỉnh giá gạo theo thị trường từ lâu và không cảm thấy sốc. Đã đến lúc chúng ta phải quen giá xăng dầu như giá gạo", ông Tú nhấn mạnh.

Ngày 15.3, nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất Việt Nam Petrolimex đã bắt đầu công bố cách tính giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trên trang web của mình khiến dư luận hồ hởi. Nhưng ngay sau đó, nhiều chuyên gia nhận định, Petrolimex công bố theo kiểu "cho có" bởi trong bảng giá Petrolimex chốt số liệu ngày 19.3, giá CIF cập cảng là 10.824 đồng mỗi lít xăng A92. Tuy nhiên, nếu tính toán với giá nhập khẩu là 87,60 USD mỗi thùng (tương đương 159 lít), và tỷ giá VND/USD là 19.100, sẽ thấy giá CIF cập cảng sẽ chỉ ở mức 10.524 đồng mỗi lít. Như vậy là thấp hơn 300 đồng so với giá mà Petrolimex đã công bố.

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Ngọc Bảo phân bua, đó là do sự nhầm lẫn giữa giá CIF và giá FOB. Petrolimex có tính giá bình quân 30 ngày theo giá niêm yết ở Singapore, đó là giá FOB. Khi tính giá CIF, phải có thêm chi phí về bảo hiểm và vận tải, tương ứng khoảng 300 đồng. "Như vậy, không có sự sai lệch nào cả. Mức giá 87,60 USD một thùng là giá FOB chứ không phải là giá CIF. Chi phí bảo hiểm và vận chuyển này thay đổi theo từng thời kỳ và được Cục Quản lý giá đưa vào tính toán", ông Bảo nói.

(Theo VNE)

Từ khóa:
Tin liên quan