Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định đệ trình hạ viện bản kiến nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian từ nay tới ngày 20-3 tới. Động thái trên diễn ra sau khi Hạ viện Anh đã 2 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit này.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trong phiên chất vấn tại Hạ viện ở thủ đô London ngày 30-1-2019. Ảnh: THX-TTXVN
Trong bản kiến nghị gửi tới Hạ viện Anh ngày 14-3, trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu về việc có lùi thời hạn nước Anh rời EU hay không, Thủ tướng May kêu gọi hạ viện một lần nữa xem xét để thông qua thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU thống nhất tháng 11-2018 và đã sửa đổi một vài điểm liên quan điều khoản "chốt chặn", cho rằng chỉ có như vậy, thời điểm nước Anh rời EU vào ngày 29-3 mới có thể được gia hạn.
Theo đó, nếu các nghị sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit sửa đổi trong cuộc bỏ phiếu thứ ba nay, Thủ tướng May sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo EU một khoảng thời gian gia hạn Brexit ngắn từ ngày 29-3 sang ngày 30-6 tới, nhằm tạo điều kiện văn kiện trên được phê chuẩn.
Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, nếu Quốc hội Anh từ chối hậu thuẫn thỏa thuận Brexit sửa đổi và phản đối việc Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 29-3, nước Anh sẽ phải đề xuất kéo dài thời gian hơn so với phương án đầu tiên.
Việc lùi thời hạn Brexit quá ngày 30-6 đồng nghĩa với việc nước Anh vẫn phải tham gia các cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 24 - 26-5 tới, đồng thời lộ trình rời khỏi EU sẽ bị kéo dài không hạn định.
Những đề xuất trên của Thủ tướng Anh là nhằm thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ Brexit chấp nhận thỏa thuận của bà trong cuộc bỏ phiếu thứ ba. Tuy nhiên, các nghị sĩ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi quan điểm.
Nghị sĩ Steve Baker khẳng định vẫn phản đối thỏa thuận Brexit sửa đổi nếu chính phủ đề xuất một cuộc bỏ phiếu nữa, nghị sĩ đảng Bảo thủ đối lập Andrew Bridgen cho rằng quốc hội nước này không còn đại diện cho người dân Anh vốn đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Cùng ngày, Quốc hội Ireland đã thông qua một dự luật nhằm hạn chế tác động của kịch bản Brexit "cứng" đối với nước này. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết dự luật này nhằm bảo vệ nông dân, các công ty xuất khẩu trước những "cú sốc" khi Anh rời khỏi EU không thỏa thuận.
Dự luật trên gồm 15 phần với các điều khoản đảm bảo trong các lĩnh vực y tế, điện, du lịch, di trú và hỗ trợ tài chính cho sinh viên giữa Anh và Ireland.
Tuy nhiên, văn kiện này không bao gồm các biện pháp giải quyết vấn đề đường biên giới dài 500 km giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Dự luật này sẽ chỉ có hiệu lực trong trường hợp xảy ra kịch bản trên.
Nguồn Báo Tin Tức