Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giảm nghèo là chủ trương, chính sách mang đậm tính nhân văn, giàu tình người nhất. “Sau 30 năm, Việt Nam là hình mẫu của thế giới về giảm nghèo”- Thủ tướng nói. Dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, Quốc hội luôn tăng nguồn lực cho chính sách giảm nghèo. Trong đại dịch Covid-19, hơn 13 triệu người đã được hỗ trợ kịp thời.
Bà Trần Thị Lan- Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (bên trái) thăm hỏi một hộ nghèo ở TP. Tây Ninh.
Ngày 11.12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Tại Tây Ninh, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH Võ Thanh Thuỷ cùng các sở, ban, ngành liên quan.
Ðầu tư hàng ngàn tỷ ðồng cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngân sách cho chương trình giảm nghèo hơn 41 ngàn tỷ đồng. Ðến năm 2020, ngân sách Trung ương đã bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 42 ngàn tỷ đồng, vượt 1,02% so với chỉ tiêu ngân sách chương trình được Quốc hội phê duyệt.
Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 93 ngàn tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu chiếm 45,3%.
Kết quả thực hiện các dự án của chương trình, trong đó có chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (chương trình 30a), Chính phủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các huyện nghèo giai đoạn 2016 - 2019, ưu tiên các công trình giao thông liên xã, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, kênh mương nội đồng, thuỷ lợi, công trình điện sinh hoạt.
Tổng kinh phí dành cho chương trình này là hơn 15 ngàn tỷ đồng. Chương trình 30a còn đầu tư hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo.
Kết quả thực hiện Chương trình 135, giai đoạn này, Chính phủ đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, tổng cộng đã xây dựng 14.760 công trình giao thông, công trình thuỷ lợi, trường học, nước sinh hoạt, điện, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng....
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, giai đoạn này, cả nước thực hiện gần 9.000 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo. Trên 1,6 triệu hộ được hưởng lợi từ chương trình 135.
Bên cạnh ngân sách của Trung ương, các địa phương đã chủ động đối ứng và huy động nguồn lực của người dân. Trong 4 năm, các địa phương huy động được hơn 1 ngàn tỷ đồng. Vẫn liên quan Chương trình 135, dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu... đã tổ chức được 3.470 lớp, với 234.294 lượt người tham gia.
Ðối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, các mô hình giảm nghèo tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cơ giới hoá, có hiệu quả sản xuất ở các địa phương. Ngân sách chương trình đã bố trí 522 tỷ đồng để nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Lãnh đạo Bộ LÐ-TB&XH đánh giá, chương trình đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 30a, Chương trình 135 tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…).
Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước.
Tuy vậy, ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm 2016 - 2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước, tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo, nguyên nhân do tách hộ, do thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước....
Nhân rộng mô hình giảm nghèo là cách giảm nghèo bền vững
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất, đối với những hộ cận nghèo, sau khi thoát nghèo nên cho những hộ này tiếp tục hưởng chính sách dành cho hộ cận nghèo trong thời gian 24 tháng. Tiêu chí đánh giá, xếp loại hộ nghèo cũng cần nhìn nhận lại, không nên chỉ căn cứ vào thu nhập bình quân để đánh giá, bình chọn hộ nghèo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng đề nghị, chính sách giảm nghèo cần được thực hiện một cách đồng bộ, không được để chồng chéo, trùng lặp về tổ chức cũng như nguồn vốn. Bà Trương Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nhân rộng mô hình giảm nghèo chính là cách giảm nghèo bền vững nhất, vì “đây là trao cho người nghèo cái cần câu...”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn số liệu, từ 58% hộ nghèo năm 1993, nay tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước đã giảm rất mạnh, có tỉnh chỉ còn hơn 1%. “Ðất nước chúng ta có hoàn cảnh đặc biệt, chiến tranh, thiên tai; kết quả giảm nghèo được như hôm nay không chỉ là cơm ăn nước uống, nó còn tạo ra sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng”- ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Tuy nhiên, ông Ðỗ Văn Chiến- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ thông tin, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, hơn 58%, nếu chỉ hỗ trợ như lâu nay, không thể giảm nghèo bền vững.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giảm nghèo là chủ trương, chính sách mang đậm tính nhân văn, giàu tình người nhất. “Sau 30 năm, Việt Nam là hình mẫu của thế giới về giảm nghèo”- Thủ tướng nói.
Dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, Quốc hội luôn tăng nguồn lực cho chính sách giảm nghèo. Trong đại dịch Covid-19, hơn 13 triệu người đã được hỗ trợ kịp thời. Thủ tướng nhận định, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về giảm nghèo đa chiều. “Có những địa phương ở miền núi, ngày trước đi bộ ròng rã 9 tiếng đồng bồ mới vào được trung tâm xã, nay chỉ mất 30 phút đi ô tô” - Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, ở nhiều nơi, đời sống của đồng bào còn không ít khó khăn, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19. “Sáng nay tôi đọc báo thấy có bài cảnh báo, thế giới có thể phải trải qua một trận đói, hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả dịch Covid-19” - Thủ tướng phát biểu.
“Tết này người nghèo đón tết như thế nào, các đồng chí phải quan tâm sâu sắc đến đồng bào, đặc biệt là những nơi vừa xảy ra thiên tai, chính quyền phải sâu sát hơn, nắm rõ hoàn cảnh từng hộ gia đình - Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương.
Việt Ðông