Công nghệ   Chuyển đổi số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng: Chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi 

Cập nhật ngày: 11/10/2022 - 08:57

Thông điệp của Thủ tướng nêu rõ tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích, va chạm… khi chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 10-10, tại Hà Nội diễn ra chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ứng dụng công nghệ số. Ảnh: TTXVN

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Về thành quả của chuyển đổi số tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết thời gian qua đã đạt được các kết quả tích cực, nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo.

Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Cùng với đó, dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường. Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Thủ tướng cho rằng kết quả này mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tránh cát cứ, sợ mất lợi ích

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thông điệp phải tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Cùng với đó, nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích, va chạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thông điệp chỉ rõ các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…

Các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.•

Chuyển đổi số ở các địa phương

• Quảng Nam: Xếp 25/63 chuyển đổi số cấp tỉnh/thành. Chiều 10-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia.

“Năm 2021, theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ TT&TT công bố, Quảng Nam xếp vị thứ 25/63 tỉnh, TP; xếp thứ ba khu vực miền Trung. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của tỉnh về chuyển đổi số trong thời gian qua” - ông Bửu phát biểu.

• Phú Yên: Chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong phát triển. Ngày 10-10, ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT&TT, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Phú Yên, cho biết đến tháng 9, tỉnh Phú Yên có 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; gần 99% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử.

“Các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia tạo các giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Trần Thanh Hưng nói.

• Đồng Tháp: Nông nghiệp là 1/3 trọng tâm chuyển đổi số. Chủ tịch UBND Đồng Tháp - ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết địa phương luôn xem chuyển đổi số là động lực, là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra chuyển biến mới với sự phát triển của tỉnh.

Trước mắt, Đồng Tháp sẽ tập trung vào ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó chọn ba lĩnh vực trọng tâm gồm nông nghiệp, giáo dục, y tế để tạo sự lan tỏa, hướng về người dân làm cốt lõi để phục vụ.

THANH NHẬT - TẤN LỘC - HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO