Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Gặp mặt lãnh đạo gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sáng 10.3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhắc lại yêu cầu phải kiên quyết xử lý dứt điểm một số doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không để "con sâu làm rầu nồi canh", tránh mất đoàn kết nội bộ.
Cùng với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải đã dành trọn buổi sáng 10.3 cùng các DNNN bàn biện pháp triển khai công việc năm 2010.
Người dân có quyền được thông tin về tập đoàn
Như tinh thần mà Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần nhấn nhá sau mỗi phát biểu của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT), "2010 là năm chỉnh đốn lực lượng, mở mang cơ đồ" và "TĐ, TCT có khỏe thì Chính phủ mới khỏe".
Hầu hết lãnh đạo các TĐ, TCT như EVN, Dầu khí, Viễn thông... đều tranh thủ báo cáo các thành tích đạt được, với mức tăng trưởng tốt, bất kể năm 2009 là thời điểm kinh tế suy giảm.
Nhưng có một điểm mà lãnh đạo TĐ, TCT "tố" với Chính phủ, đó là thông tin về hoạt động kinh tế của các tập đoàn hình như còn bị "nhiễu", cái nhìn của xã hội về vai trò của khối doanh nghiệp này chưa đạt được đồng thuận.
"Khi chúng tôi có điểm tốt thì không tuyên truyền. Nhưng nếu làm ăn mà mất đi một nghìn tỷ là đi tù ngay", đại diện Viettel, một đơn vị mới thành tập đoàn, nói.
Còn lãnh đạo Vinalines sau khi khẳng định "chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm với đất nước", cũng bày tỏ chưa hài lòng về việc làm tốt thì không được thưởng, mà dư luận chỉ bàn tán về những điểm xấu.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp trong cuộc làm việc với Thủ tướng, Vinalines đề xuất Chính phủ bảo lãnh cho vay hoặc phát hành trái phiếu để họ có vốn kinh doanh.
Tiếp ngay sau ý kiến lãnh đạo Vinalines, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: "Ở đây đều là các DN có huân chương lao động, huân chương độc lập, rồi đều là anh hùng lao động cả. Báo cáo của Chính phủ với Ban chấp hành Trung ương, với Quốc hội đều nói là dựa vào doanh nghiệp nhà nước. Mà Chính phủ không dựa vào doanh nghiệp nhà nước thì dựa vào ai?".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ sung, chính việc một vài đơn vị làm ăn thua lỗ chưa bị xử lý, tình trạng này kéo dài nhiều năm đã làm ảnh hưởng đến cái nhìn chung của xã hội về các anh cả đỏ của nền kinh tế.
"Đọc báo cáo nào cũng thấy tên công ty Dâu tằm tơ và Vận tải đường thủy, từ khi tôi còn làm ở Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp", Thủ tướng băn khoăn.
Dẫn lại chuyện Phó Tổng giám đốc BIDV bị bắt vì nhận hối lộ, "chỉ là bộ phận nhỏ nhưng để dân kêu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, tham nhũng. Chỉ một trường hợp nhưng dân suy ra các ông ngân hàng đều như vậy", Thủ tướng nói.
Về đánh giá của xã hội, Thủ tướng cho rằng, đây là một đòi hỏi tất yếu vì người dân có nhu cầu được cung cấp thông tin và đây là quyền hiến định.
"Nên chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin đúng, chính xác về hiệu quả kinh doanh. Chẳng hạn, dư luận nói giá xăng dầu Việt Nam cao hơn thế giới nhưng các anh xăng dầu cho rằng không phải như vậy, tại sao không giải thích?", Thủ tướng nói.
"Cứ cho phá sản đi"
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "TĐ, TCT luôn là lực lượng nòng cốt, làm ra 40% GDP, tạo nền tảng cho đất nước phát triển".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty |
Nhắc lại một số vai trò kinh tế năm qua như "bình ổn giá", Thủ tướng nói: "Nếu doanh nghiệp nhà nước không đạt kết quả như thời gian qua thì 2009 chúng ta có đạt được tăng trưởng như vậy không?".
Cũng theo Thủ tướng, trải qua hai cơn chấn động kinh tế 2008, 2009 vừa qua, đội ngũ quản trị các TĐ, TCT cũng có cơ hội tích lũy thêm bản lĩnh, kinh nghiệm để tự tin hơn.
Thủ tướng cho rằng những nỗ lực, những điểm tốt "đã nói mãi rồi" và Chính phủ cũng luôn biểu dương lực lượng này với Quốc hội, với Bộ Chính trị, nhưng không thể không đánh giá về những tồn tại. "Lực lượng này thời gian qua đã tiến xa hết mức chưa, hay vẫn còn khả năng tiến tiếp?", ông Dũng đặt câu hỏi.
Hàng loạt dự án của TĐ, TCT vẫn kéo dài, thất thoát, lãng phí. Rồi việc chậm xử lý DN thua lỗ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng "giao việc" luôn cho Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng làm việc cụ thể cùng các TĐ, TCT để sắp xếp DN trong năm 2010.
"Bộ trưởng NN&PTNT thôi đừng nhắc tới Dâu tằm tơ làm gì nữa, cứ cho phá sản đi", Thủ tướng nói.
Đồng thời, phải làm rõ lý do chậm xử lý vì nể nang hay nguyên nhân nào khác?
"Cán bộ phải trong sạch"
Về nhiệm vụ 2010, Thủ tướng kêu gọi: "TĐ, TCT phải đề cao trách nhiệm với đất nước. Nếu mọi DN đều tăng trưởng 10% nghĩa là đã góp cùng Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng 6%. Đây cũng là lực lượng chủ yếu cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát".
Từng dự án điện, xi măng, dầu khí... đều có sứ mệnh đóng góp cho GDP đất nước. Việc mua, bán, tăng giảm của từng DN đều tác động tới lạm phát.
2010 là năm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng nên lưu ý công tác cán bộ và sự đoàn kết nhất trí nội bộ.
"Trong quá trình sắp xếp, nếu muốn thành công, không để thua lỗ thì phải lưu ý công tác cán bộ. Nên bố trí đúng cán bộ. Tôi mong các đồng chí giữ vững đạo đức, phải trong sạch, trong sáng. Trong hội đồng quản trị, trong nội bộ phải đoàn kết. Nếu cứ lo tố cáo, kiện cáo nhau thì nội bộ lục đục", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng giao việc cho từng doanh nghiệp. Xăng dầu phải công khai minh bạch việc tăng giá. Còn các TCT lương thực nghiên cứu xây dựng các điểm bán sỉ ở một số đô thị, nơi tập trung đông dân cư, bảo đảm không xảy ra sốt giá.
Chính phủ sẽ sát cánh cùng TĐ, TCT với việc ổn định chính sách tỷ giá, tiền tệ. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước xem lại cách điều hành vừa theo kiểu hành chính, vừa thị trường, phần nào gây bất ổn.
Về đề xuất Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho vay nợ, Thủ tướng cho rằng, có không ít DN vẫn tự đứng ra phát hành trái phiếu.
Trước kiến nghị về các dự án đầu tư ra nước ngoài của điện, dầu khí, viễn thông, Thủ tướng lưu ý, vẫn mở rộng kinh doanh nhưng cần thận trọng và tuân thủ đúng pháp luật, sao cho các nhiệm kỳ Chính phủ có thể thay nhưng dự án vẫn được an toàn.
"Phải tính sao cho an toàn, chứ không phải chúng ta đi đàm phán rồi nhận được sự đồng ý của ông A, ông B là được", Thủ tướng lưu ý.
(Theo Vietnamnet)