Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thủ tướng Đức có thực sự thách thức tổng thống Mỹ?
Thứ năm: 14:38 ngày 01/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Căng thẳng giữa Đức và Mỹ khởi đầu từ hôm 30-5 đến mức độ mà báo chí quốc tế đánh giá là “căng thẳng chưa từng thấy”.

Thủ tướng Angela Merkel và tổng thống Donald Trump tại hội nghị cấp cao G7 ở Sicily (Ý) cuối tuần trước - Ảnh: AFP

Hôm 30-5, Tổng thống Donald Trump đã phàn nàn trên Twitter nguyên văn như sau: “Chúng ta đã thâm hụt thương mại với Đức, thêm nữa Đức chi cho NATO và quốc phòng ít hơn mức phải chi. Rất xấu với Mỹ. Chuyện này phải thay đổi”.

Già néo không khéo lại đứt dây

Hội nghị cấp cao nhóm các nước phát triển G7 ở Ý vào cuối tuần trước kết thúc với nhiều bất đồng đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là “một chống sáu” (Mỹ chống sáu nước còn lại).

Sau đó, trong buổi mít-tinh tranh cử ở Munich hôm 28-5, bà Merkel phát biểu chung chung nhưng ám chỉ Mỹ: “Giai đoạn chúng ta hoàn toàn tin tưởng nhau (châu Âu-Mỹ) gần như đã mãn… Chúng ta, người châu Âu, phải nắm lấy số phận của mình. Chúng ta phải chiến đấu vì số phận riêng của chúng ta”.

Một giờ trước khi tổng thống Trump viết trên Twitter rằng Đức “chơi không đẹp” về thương mại và quân sự, bà Merkel tiếp tục nhấn nhá: Quan hệ xuyên Đại Tây Dương có tầm quan trọng hàng đầu, nhưng do diễn biến chính sách của Mỹ, “còn có nhiều lý do nữa để chúng ta phải tự quyết định số phận châu Âu”. Bà đã kêu gọi châu Âu tăng cường cam kết với quốc tế nhiều hơn (thay vì chơi với Mỹ). 

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói rõ hơn. Ông đánh giá hành động của ông Donald Trump đã làm suy yếu phương Tây và chính sách của Mỹ đi ngược với lợi ích của Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều chuyên gia e ngại quan hệ đồng minh thân cận Đức-Mỹ sẽ lỏng lẻo. Thế nhưng bà Merkel có lẽ cũng lo ngại “già néo đứt dây”.

Hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Berlin hôm 30-5, bà nhấn mạnh quan hệ giữa Đức với các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc không làm lay chuyển “quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn có tầm lịch sử quan trọng với Đức trong quá khứ cũng như tương lai”.

Thật ra sau các tuyên bố kê kích nhau, hai bên cũng đã cố xoa dịu tình hình. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries giải thích rằng các công ty Đức vẫn đầu tư vào Mỹ và tạo việc làm ở Mỹ cơ mà.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khéo léo biện giải rằng ông Trump và bà Merkel rất ăn ý với nhau. Người phát ngôn nói: “Ngài Trump tôn trọng bà ấy và ông ấy xem không chỉ Đức mà phần còn lại của châu Âu như đồng minh quan trọng của Mỹ”.

Thương mại hay tranh cử?

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến mạnh mẽ trước cách hành xử của chính quyền Washington gần đây.

Bà Stefani Weiss, giám đốc văn phòng Quỹ Bertelsmann ở Brussels (Bỉ), nhận định châu Âu với nửa tỉ dân là tiềm năng to lớn. Bà phân tích: “Châu Âu là người lớn và không phải lúc nào cũng chờ Mỹ đến để giải quyết vấn đề”.

Nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng Merkel chỏi với ông Trump vì đang mùa tranh cử Quốc hội Đức (bầu cử ngày 24-9 tới).

Bà Stefani Weiss nhận định người Đức rất biết ơn Mỹ về vai trò trong Chiến tranh thế giới thứ hai và thúc đẩy kinh tế Đức thời hậu chiến. Tuy nhiên hiện nay trong nhân dân Đức đã nảy sinh các luồng tư tưởng cổ súy hòa bình và thầm phản đối Mỹ qua chiến tranh ở Iraq hay quan điểm của tổng thống Trump.

Vì thế phát biểu của bà Merkel có thể sẽ lôi cuốn thêm cử tri cho đảng của bà, dù theo bà Stefani Weiss, đây không phải là chiến lược tranh cử của bà Merkel.

Còn hãng tin AP ghi nhận nguyên nhân gây căng thẳng giữa Đức và Mỹ xuất phát từ quan hệ thương mại.

Thâm hụt thương mại năm ngoái đã lên đến 67,7 tỉ USD (giảm so với năm 2015), do đó Đức đã trở thành quốc gia thứ hai "chịu trách nhiệm" về thâm hụt thương mại của Mỹ sau Trung Quốc (308 tỉ USD, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ).

Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Đức. Đức chủ yếu bán sang Mỹ thiết bị như máy công cụ dùng trong công nghiệp chế biến (39,4 tỉ USD năm 2016) và ô tô (32,1 tỉ USD).

Theo ý kiến của chúng tôi, trước tiên kinh tế Mỹ phải trở nên cạnh tranh hơn và gia tăng xuất khẩu nhiều hơn”.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries

Khi ông Trump đắc cử tổng thống, ông muốn “tuyên chiến” với tình trạng thâm hụt thương mại. Các mục tiêu đầu tiên là Trung Quốc và Mexico nhưng Washington cũng không loại trừ đồng minh Đức.

Mỹ chưa đánh thuế 35% đối với ô tô Đức nhưng hồi tháng 4-2017, Bộ Tài chính Mỹ đã “dằn mặt” các hãng xe Đức: “Với tư cách cường quốc kinh tế thứ tư thế giới, Đức phải góp phần tăng nhu cầu (nội địa) và cân đối thương mại”.

Đức khăng khăng cho rằng trao đổi thương mại giữa hai nước đều có lợi cho hai bên, ví dụ Đức là một trong những nước bỏ vốn đầu tư trực tiếp đáng kể vào Mỹ (255,5 tỉ USD năm 2015) và khu vực khai thác vốn này ở Mỹ đã sử dụng 677.000 lao động.

Dù cho căng thẳng phát sinh do thâm hụt thương mại hay không khí tranh cử ở Đức, đã có tin vui trong bối cảnh bà Merkel và ông Trump còn gặp lại nhau ở hội nghị G20 tại Đức vào tháng 7 tới.

Hôm 30-5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu gợi mở trên đài CNBC: “Thật đúng đắn khi tiếp tục đàm phán với châu Âu về Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương và tìm giải pháp tăng cường trao đổi để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ”. Hiệp định này đi vào ngõ cụt sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.

Rốt cuộc với mối quan hệ thâm tình như Đức và Mỹ, rõ ràng khó để “dứt áo ra đi”!

Tổng thống Trump muốn áp thuế 35% với ô tô Đức

Thật ra căng thẳng giữa bà Merkel và ông Trump không mới. Trước và sau khi đắc cử, ông Trump từng chỉ trích thâm hụt thương mại với Đức và dọa sẽ đánh thuế 35% đối với xe ô tô Đức nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Khi ông Trump đắc cử, bà Merkel đã “nhắc nhở” ông cần phải bảo vệ các giá trị phương Tây. Hội nghị G7 ở Ý ngày 27-5 chỉ đánh dấu thời điểm bùng nổ để bà Merkel “xả nước lạnh” vào quan hệ Đức-Mỹ.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục