Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ông Mahathir Mohamad nói không quan tâm tới lệnh cấm của Mỹ và sẽ tận dụng công nghệ của Huawei càng nhiều càng tốt.
Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad hôm nay kêu gọi Mỹ nhượng bộ trong các tranh chấp với Trung Quốc, bao gồm cả việc gây sức ép lên Huawei - hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Ông cũng cảnh báo đàm phán thất bại có thể dẫn đến các xung đột về quân sự giữa hai nước.
"Huawei đã đạt được những tiến bộ to lớn về công nghệ so với Mỹ", ông Mahathir nói tại hội nghị thường niên Tương lai của châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) do Nikkei tổ chức. Mỹ từ lâu đã có khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ mạnh mẽ nhưng theo Thủ tướng Malaysia, nước này cần phải chấp nhận sự thật rằng những tiến bộ của công nghệ có thể được tìm thấy ở cả phương Đông.
"'Nếu tôi không đi trước, tôi sẽ cấm bạn, tôi sẽ gửi tàu chiến' - Đó không phải là cạnh tranh", ông Mahathir nhấn mạnh. "Đó là một sự đe dọa".
Mỹ gần đây đưa Huawei vào danh sách đen thương mại - hệ quả của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump coi Huawei là "rủi ro với an ninh quốc gia", ra lệnh cấm công ty Trung Quốc mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ từ 15/5. Sau đó, hàng loạt công ty hạn chế hoặc ngừng kinh doanh, trong đó có Google, Microsoft, Qualcomm, Intel, ARM...
Ông Mahathir Mohamad tại hội nghị thường niên Tương lai của châu Á. Ảnh: Nikkei
Nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Australia và New Zealand đã áp dụng các biện pháp tránh sử dụng thiết bị của Huawei khi giới thiệu các mạng di động mới. Tuy nhiên, ông Mahathir cho rằng Malaysia sẽ không làm theo cách này.
"Những nghiên cứu của Huawei vượt ngoài khả năng của Malaysia. Chúng tôi vì vậy sẽ tận dụng công nghệ của họ nhiều nhất có thể", ông nói và cho biết không quan tâm tới các cáo buộc về hoạt động gián điệp vì "chúng tôi là những người cởi mở".
Tun Mahathir bin Mohamad (93 tuổi) là Thủ tướng thứ 7 của Malaysia kể từ khi nước này giành được độc lập khỏi Anh năm 1957. Trước đó, ông đã giữ cương vị Thủ tướng thứ tư của Malaysia từ 1981 đến 2003. Mahathir được ghi nhận vì những nỗ lực chống tham nhũng và cải thiện tài chính của chính phủ, bao gồm cả việc đàm phám giảm chi phí cho một dự án đường sắt với Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Malaysia, đặc biệt là sản lượng xuất khẩu của nước này. Theo Nikkei, Mahathir luôn tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc - một đối tác thương mại quan trọng. Tuy nhiên, ông cũng từng lên tiếng chống lại những bành trướng về quân sự của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nguồn VNE (theo Asia.Nikkei)