Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva lại phải chuẩn bị đối mặt với cuộc biểu tình rầm rộ của Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD), dự kiến được tổ chức vào ngày 24.3. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra công khai danh tánh những người tham lật đổ ông ngày 17.9.2006.

![]() |
Vất vả đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 21.3, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva (ảnh - Reuters) lại phải chuẩn bị đối mặt với cuộc biểu tình rầm rộ của Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD), dự kiến được tổ chức vào ngày 24.3. Chưa hết chuyện, hôm 22.3, trong cuộc nói chuyện bằng điện thoại video với khoảng 10.000 người ủng hộ UDD tại Chiang Mai, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tuyên bố công khai danh tánh những người đứng sau một phong trào chủ mưu thực hiện cuộc đảo chính, lật đổ ông ngày 17.9.2006.
Theo ông Thaksin, tướng Panlop Pinmanee, nguyên Phó Chỉ huy Lực lượng an ninh đặc biệt (Isoc), đã cung cấp cho ông thông tin về phong trào này. Trong số các thành viên của phong trào, có 4 quan toà: Chánh án Toà Hành chính Akarathorn Chularat, Chánh án Toà án Tối cao Chanchai Likhitjitt cùng với hai thẩm phán của Toà án Hiến pháp Charan Pakdithanakul và Pramote Nakornthap. 4 người này đã tìm cách lật đổ Thaksin bằng cách phao tin đồn ông không trung thành với hoàng gia. Ngoài ra, hai thành viên khác của phong trào là hai uỷ viên Hội động cơ mật hoàng gia, trong đó có tướng Surayud Chulanont, đã trực tiếp làm việc với Ai Pok – biệt danh của Tổng tư lệnh quân đội, tướng Anupong Paojinda. Thaksin nhấn mạnh: “Trước kia Ai Pok phủ nhận cáo buộc này, nhưng giờ thì ông ta thừa nhận mình có dính líu”.
Vẫn chưa thể xác định những lời cáo buộc của ông Thaksin thật đến mức độ nào. Hầu hết những người bị “điểm mặt, chỉ tên” đều bác bỏ những cáo buộc của ông Thaksin. Phó thủ tướng Suthep Thaugsuban chỉ trích ông Thaksin đang kích động những người áo đỏ UDD nổi loạn nhằm gây bất ổn tình hình Thái Lan. Tuy nhiên, ông Suthep cũng cho biết, mặc dù biết rõ “âm mưu” của ông Thaksin nhưng chính phủ vẫn không thể làm gì để ngăn chặn hành động “vi phạm luật pháp kéo dài” của cựu Thủ tướng Thái Lan. Có nguồn tin cho biết, Bộ Tư pháp Thái Lan đã cử một phái đoàn do ông Sirisak Tiyaphan dẫn đầu sang Hong Kong – nơi ông Thaksin đang sống lưu vong, để thảo luận với chính quyền đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc này về một hiệp ước dẫn độ nhằm đưa ông Thaksin về nước xét xử. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này sẽ phải mất một thời gian dài
Trong khi đó, tại Bangkok, một mặt chính phủ Thái Lan đang cố vận động những người tổ chức biểu tình của UDD không bao vây toà nhà chính phủ; mặt khác, chính phủ Thái Lan cũng huy động lực lượng cảnh sát lẫn quân đội sẵn sàng ngăn chặn mọi ngã đường tiến về hướng toà nhà chính phủ. Hôm 22.3, UDD kêu gọi những người ủng hộ đóng góp 2.000 baht tiền cứu trợ người nghèo mà họ nhận được từ chính phủ của Thủ tướng Abhisit để gây quỹ cho cuộc biểu tình.
Xem ra, chính quyền của vị Thủ tướng Thái Lan trẻ tuổi sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hôm 23.3, ông Abhisit đã đưa ra một số giải pháp để vực dậy nền kinh tế, trong đó có kế hoạch đối phó với tình trạng thất nghiệp được dự đoán sẽ vượt qua con số 1 triệu người trong năm 2009 này.
Đặng Hoàng Thái
(Tổng hợp từ Bangkok Post & Reuters)