Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng: Vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất!
Thứ năm: 10:56 ngày 12/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vắc-xin, vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất. Thủ tướng đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước... thúc đẩy ngoại giao vắc-xin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận phiên họp Chính phủ đầu tiên của khóa XV (2021-2026) vào chiều 11-8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập 3 nội dung lớn của phiên họp sau một ngày làm là: Việc thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội; về công tác phòng chống dịch; về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất" - Ảnh: Nhật Bắc

Điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước về vắc-xin

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện chiến lược vắc-xin, tới nay Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, đạt một số kết quả.

Đến nay, đã huy động được khoảng 18 triệu liều vắc-xin để tiêm phòng miễn phí cho toàn dân. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho hay việc tiếp cận vắc-xin vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực, Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao vắc-xin.

"Phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vắc-xin, vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ lưu ý có thể cắt bớt các quy trình, thủ tục về mặt hành chính nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn.

Thủ tướng Phạm Minh cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, hướng dẫn về các công nghệ phòng chống dịch, phát huy cao nhất, hiệu quả của Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện. Nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở kết nối với các nền tảng đã có, đặc biệt là nền tảng cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, phục vụ việc tiêm vắc-xin, truy vết…

Đồng thời áp dụng các biện pháp khác như kết hợp giữa đông y và tây y, giữa y học, tâm lý học, xã hội học… trong công tác điều trị, phòng chống dịch. 

"Trong lúc chưa có đầy đủ vắc-xin và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định"- Thủ tướng nói.

Xem xét việc mở rộng đối tượng hỗ trợ

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi thực hiện phong tỏa cách ly, không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an dân.

"Đồng chí nào không làm được là có lỗi với dân, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Khi thực hiện cách ly, phong tỏa không được để đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động, hàng hóa, lưu thông. Một số nơi đã thực hiện thành công các mô hình như "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", cần tiếp tục hoàn thiện các mô hình này"- Thủ tướng nhắc nhở.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động và gần 376 nghìn người sử dụng lao động với tổng kinh phí hơn 5,7 nghìn tỉ đồng; đồng thời hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng hơn 10 nghìn tỉ đồng...

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bám sát tình hình triển khai Nghị quyết 68, tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc mở rộng đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ theo khả năng.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy, thực hiện tốt công tác quy hoạch; nhanh chóng đề xuất phương án xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đã hy sinh để thực hiện giãn cách thì phải kiểm soát được dịch bệnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay về phòng chống Covid-19, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình; đã ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn; nhiều tâm dịch được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên có nơi, có lúc chấp hành chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

"Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc"- Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Nghị quyết này để triển khai. Theo yêu cầu chung nhất là "người phải cách ly với người, ai ở đâu yên đó, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, cộng với các biện pháp xét nghiệm, 5K, vắc-xin, thuốc, công nghệ và các biện pháp khác", khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc, dập dịch tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu, xét nghiệm "thần tốc" các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch.

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục