Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thủ tướng: Việt Nam phải có phương án chống siêu bão
Thứ năm: 21:04 ngày 29/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng nhấn mạnh, siêu bão có thể vào nước ta, do đó phải có phương án chủ động ứng phó.

Tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động lớn nhất của thiên tai.

“Việt Nam sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa. Chúng ta có truyền thống kiên cường chống giặc bão lũ, thiên tai để giữ gìn dân tộc trường tồn suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta chưa bao giờ đầu hàng cái gì, từ giặc ngoại xâm đến thiên tai”, Thủ tướng nói.

Không để sống chết mặc bay

Thủ tướng đánh giá, dù Chính phủ, các địa phương những năm qua đã rất nỗ lực nhưng thiệt hại thiên tai vẫn rất lớn.

Năm 2017 có tới 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp khiến 386 người chết, thiệt hại trên 60.000 tỷ đồng, tương đương với 1-1,5% GDP, tăng 300% so với trung bình nhiều năm. Cá biệt tại Yên Bái, thiệt hại do thiên tai năm qua vượt quá 1.800 tỷ đồng, chiếm 73% GDP của tỉnh. Đây cũng là năm điển hình nhất về thiên tai từ trước đến nay với hàng loạt kỷ lục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị phòng chống thiên tai.

Theo Thủ tướng, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, khó cảnh báo, không theo quy luật. Tuy nhiên năng lực cảnh báo, quan trắc còn nhiều vấn đề, nhất là dự báo lũ ống, lũ quét, lũ đá và sạt lở đất, trong đó Sơn La, Hoà Bình, Quảng Nam vừa qua đã phải trả giá rất đắt.

“Dự báo là khâu vô cùng quan trọng, nếu dự báo không tốt thì hậu quả rất lớn. Giờ lên Tổng cục Khí tượng thủy văn rồi thì phải làm tốt hơn nữa”, Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ còn tình trạng chủ quan rất lớn trong lãnh đạo địa phương và nhân dân, như tại Khánh Hoà, Phú Yên, nghĩ bão số 12 không vào, người dân không phòng bị nên gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Thủ tướng nhấn mạnh, lâu nay Việt Nam mới có bão cấp 11-12, nhưng với diễn biến bất thường của thiên tai, siêu bão có thể đổ bộ vào nước ta, do đó phải có phương án chủ động hơn.

“Trong chỉ đạo điều hành, không thể để sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Nếu để dân đói, để dân màn trời chiếu đất là trách nhiệm của lãnh đạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đã họp bão phải đầy đủ các bộ ngành. Về lâu dài, quy hoạch thiên tai phải rõ hơn, không để nhiều hồ đập gây chết người do quy trình, tàu vào ra phải kiểm soát, tránh tình trạng kêu mãi tàu không về.

“Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố phải rà soát lại hệ thống tiêu thoát nước chống ngập, đặc biệt không được lấp hồ để làm đô thị như một số nơi đã làm. Có mấy cái hồ điều tiết, lấp hết để bán đất thì làm sao”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng mong mọi người dân phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, không để đèn nhà ai nấy rạng, trong khó khăn cần đùm bọc, yêu thương nhau hơn. Truyền thống đó phải thấm sâu từng người, từng gia đình.

Sát dân tốt hơn chỉ alô

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, công tác ứng phó với thiên tai vẫn còn nhiều tồn tại, các phương án ứng phó, phòng chống thiên tai chưa sát với thực tiễn.

Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết xử lý các dự án, hoạt động gây cản lũ, thu hẹp không gian trữ, thoát lũ, lấn ra bờ sông, bờ biển.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Ngoài ra, cần kiểm tra ngay việc theo dõi, hướng dẫn vận tải trên biển tránh trú bão, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc như vừa qua và điều chỉnh những nội dung bất hợp lý trong quy trình vận hành liên hồ chứa.

Thủ tướng nêu, trong phòng chống thiên tai, phải thuận thiên trong chỉ đạo, ứng phó và xử lý hợp lý tuỳ theo tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn xã hội và nhân dân cùng làm.

Muốn giảm thiệt hại phải lấy phòng ngừa là chính, chứ không chỉ quan tâm ứng phó, khắc phục, phải huy động mọi nguồn lực, phát huy 4 tại chỗ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đưa nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương, trong đó quy hoạch sản xuất phải biến nguy cơ thành cơ hội, tính toán lại tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Riêng với bộ máy, Thủ tướng nêu rõ quan điểm theo tinh thần gọn và tinh, cán bộ giỏi nhưng trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi người dân, hướng về người dân. Nếu hệ thống vô trách nhiệm, bộ máy cồng kềnh thì phản tác dụng vì trong chống thiên tai, yêu cầu sự nhạy cảm rất lớn.

“Trước bão anh alo cũng tốt nhưng nếu đến sát dân, trực tiếp chỉ đạo di dời thì tốt hơn anh chỉ nói miệng”, Thủ tướng lưu ý.

Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về phòng chống thiên tai để các ngành, địa phương triển khai.

Nguồn Vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục