Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thú vị từ “Người Việt tự ngắm mình”
Chủ nhật: 15:32 ngày 04/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người Việt tự ngắm mình là một cuốn sách hiếm hoi, dám dũng cảm liệt kê, phân tích, lý giải về những thói hư, tật xấu của người Việt toàn diện và hệ thống. Đây có thể coi là cuốn “sách trắng” về cái xấu của người Việt ta.

Mới nhìn vào tên sách, tôi cứ tưởng rằng đây sẽ là cuốn sách ca ngợi người Việt. Nhưng khi đọc mới thấy đó là sự ngộ nhận. Càng đọc càng ngỡ ngàng nhưng lại thấy thú vị. Người Việt tự ngắm mình là một cuốn sách hiếm hoi, dám dũng cảm liệt kê, phân tích, lý giải về những thói hư, tật xấu của người Việt toàn diện và hệ thống. Đây có thể coi là cuốn “sách trắng” về cái xấu của người Việt ta.

Xưa nay, người Việt vẫn luôn tự hào về truyền thống và những đức tính quý báu như yêu nước, cần cù, chịu thương, chịu khó, hiếu học...Tuy nhiên, xuất phát từ đặc trưng của văn hoá nông nghiệp, lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến Nho giáo hàng ngàn năm nên người Việt cũng có nhiều hạn chế, nhược điểm với những thói hư, tật xấu cản trở sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Những thói hư tật xấu đó được các thế hệ người Việt phản ánh qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn, nhưng “hệ thống hoá, bổ sung và đào sâu chúng bằng những cái nhìn hệ thống, theo cách thức nguyên lý và học vấn” cho đến nay chỉ có Nguyễn Hoàng Đức với “Người Việt tự ngắm mình!”.

Người xưa đã nói “Trung ngôn nghịch nhĩ”. Biết được điều đó, với một cuốn sách khoảng 270 trang, tác giả Nguyễn Hoàng Đức chia thành 2 chương. Trong chương mở đầu “Lý do để cuốn sách này có mặt” tác giả, phân tích, lý giải chuyện xưa, nay, đông, tây, kim, cổ... nêu dẫn chứng về người Nhật, người Mỹ... cũng đã từng tự nhận “người Nhật xấu xí”, “người Mỹ xấu xí”…

Từ “trông người mà ngẫm đến ta”, tác giả dẫn ra một số nội dung trong ba cuốn sách nổi tiếng phản tỉnh về những hạn chế, nhược điểm của người Trung Quốc. Đó là lãnh tụ Tôn Trung Sơn với cuốn “Chủ nghĩa tam dân”, nhà văn Vương Sóc (một tác giả nổi tiếng chỉ đứng sau Lỗ Tấn, Kim Dung) với cuốn “Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê” và nhà văn Bá Dương với cuốn sách cũng rất đáng được chú ý “Người Trung Quốc xấu xí”.

Từ chuyện của xứ người, nước người, Nguyễn Hoàng Đức khẳng định “Không ai hiểu ta bằng ta. Cũng chẳng ai biết được cái xấu của ta bằng chính ta, cũng không ai làm hộ ta”... Nếu người Việt cứ che đậy, biện hộ, lảng tránh mãi thì biết bao giờ mới mở mặt mở mày ra được để “xin được bàn trực tiếp vào cái xấu của ta”.

Chương II với nội dung Tự ngắm mình, tác giả lần lượt thống kê tới 21 cái xấu của người Việt. Mỗi cái xấu có sự phân tích, lý giải,  dẫn chứng minh hoạ, tác hại và đề xuất hình thức, phương pháp sửa chữa. Để cho người đọc “có cái nhìn tổng quát, tránh rơi vãi, tản mạn”, tác giả hệ thống hoá cái xấu của người Việt thành 6 điểm và nêu ra 7 câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm, tự soi mình, tự đếm lại mình và dẫn ra câu triết lý của người Nga: “Không sợ dốt chỉ sợ không muốn học”.

Đọc xong tác phẩm, giật mình và hoang mang, tôi tự hỏi: “Người Việt xấu đến thế ư? Mình xấu đến thế ư?” Nhưng tĩnh tâm lại tôi thấy thấm thía. Nội dung cuốn sách không thơ mộng, lãng mạn, ngợi ca… như thường thấy xưa nay mà là những sự thật qua những mẩu chuyện gai góc nhưng cũng không kém phần thâm thuý.

Tác giả cũng đã tự giãi bày: “Tôi viết cuốn sách này, bằng cách mở màn ngắm cái xấu của tôi và của gia đình tôi...”,  hay “Tôi viết cuốn sách này, mục đích của nó là mong ngụp lặn về chiều dọc - chiều sâu cội rễ của dân tộc, gạn đục khơi trong mong được cùng dân tộc có ngày gần đây khải hoàn ca trên quảng trường tiến bộ - lương tri - nhân bản, sánh vai cùng những bước chân hàng đầu của nhân loại...”.

Cần nói thêm, cuốn sách đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi viết về đề tài của Báo Tiền phong năm 2009, là “Xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng” năm 2018. “Thuốc đắng đã tật”, mỗi người nên tìm đọc cuốn sách này để tự soi mình, sửa mình, chuyển mình, góp phần đưa đất nước, dân tộc vươn ra biển lớn bằng phẩm chất của người Việt hiện đại, văn minh.

DIỆU MAI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục