Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm qua, Thư viện tỉnh Tây Ninh đã có bước chuyển mình từ hoạt động truyền thống sang hoạt động trên nền tảng số, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả.
Ông Bùi Minh Tuấn- Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ:“Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tiếp cận được nguồn thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích cho cuộc sống. Từng bước tăng cường cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng thư viện; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh là một yêu cầu cấp thiết nhằm tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngành thư viện. Thư viện tỉnh Tây Ninh xem đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để thích nghi với tình hình mới, nhằm từng bước phục vụ bạn đọc bằng nhiều hình thức đổi mới, đa dạng”.
Chuyển đổi số - Bước chuyển mình của Thư viện tỉnh
Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực thư viện cũng như công tác phục vụ bạn đọc. Chuyển đổi số còn giúp cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc của người làm công tác thư viện và đặc biệt là mang lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ tiện ích cho người dùng trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin.
Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, sự thay đổi phương thức học tập và làm việc từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến đang khiến công tác chuyển đổi số ngành thư viện càng trở nên cần thiết.
Giao diện Cổng thông tin thư viện số của Thư viện tỉnh Tây Ninh
Trong những năm qua, Thư viện tỉnh Tây Ninh đã có bước chuyển mình từ hoạt động truyền thống sang hoạt động trên nền tảng số, đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả.
Từ tháng 10.2019, Thư viện tỉnh đã tiến hành nâng cấp phần mềm quản lý thư viện Ilib 4.0 sang phần mềm quản trị thư viện tích hợp Vebrary 5. Đây là hoạt động thuộc dự án “Nâng cấp phần mềm quản trị thư viện tích hợp và xây dựng thư viện số tỉnh Tây Ninh”, nhằm cải tiến chất lượng dịch vụ của Thư viện tỉnh theo xu hướng nội dung mở, liên thông, hội nhập và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người đọc, quản lý chặt chẽ nguồn tài liệu có trong thư viện.
Từ cuối năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh việc số hoá tài liệu, hiện đã số hoá được gần 30.000 trang tài liệu địa chí. Tài liệu sau khi được số hoá và chỉnh lý sẽ được đưa lên cổng thông tin thư viện của Thư viện tỉnh tại địa chỉ website: https://thuvien.tayninh.gov.vn. Người dùng có thể sử dụng được vốn tài liệu này qua không gian mạng một cách dễ dàng, giúp tiết kiệm được thời gian và công sức.
Viên chức Thư viện đang scan – chỉnh lý tài liệu địa chí
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát triển thư viện số
Tại Thư viện tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần Thư viện tỉnh phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp. Thế nhưng, độc giả của Thư viện vẫn không bị gián đoạn việc mượn, đọc sách.
Thư viện tỉnh triển khai dịch vụ cấp thẻ thư viện trực tuyến, bạn đọc đăng ký làm thẻ sẽ được cấp tài khoản trực tuyến, có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên trực tuyến như: đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, đọc sách (sách điện tử, tài liệu số hoá), tra cứu tài liệu, cập nhật những tin tức liên quan đến lĩnh vực thư viện trong và ngoài tỉnh, đọc các ấn phẩm thông tin như Thông tin tư liệu và Thông tin chọn lọc... Trên môi trường mạng thông qua Cổng thông tin thư viện tại địa chỉ: https://thuvien.tayninh.gov.vn
Bạn Nguyễn Tiến Khoa (phường 2 – thành phố Tây Ninh) - độc giả thân thiết của Thư viện tỉnh cho hay: “Thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thư viện tỉnh đóng cửa các phòng phục vụ, em phải tra cứu tài liệu để phục vụ cho việc học online thông qua Cổng thông tin thư viện, em còn liên hệ mượn, trả sách trên hệ thống này một cách dễ dàng và thuận tiện.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành thư viện, Thư viện tỉnh Tây Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng các nền tảng số như trang Facebook, kênh YouTube, trang Zalo OA, từ đó đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách trên các nền tảng số này, nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Zalo OA, Thư viện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu sách: Giới thiệu những quyển sách hay, sách mới đang có tại Thư viện.
Thông qua những bài giới thiệu sách, giúp độc giả không có thời gian đọc sách, vẫn nắm bắt được nội dung các cuốn sách mà mình yêu thích. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền các hoạt động của thư viện thông qua những video clip về tin tức, hình ảnh, những sự kiện, các cuộc thi liên quan đến Thư viện tỉnh nói chung và ngành thư viện trên cả nước nói riêng.
Hiện tại Thư viện tỉnh đang phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh sản xuất chương trình “Kết nối tri thức” và phát sóng trên các nền tảng số với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể tiếp cận và cập nhật được những thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích cho cuộc sống mà không cần trực tiếp đến thư viện.
Giao diện tài liệu số hoá trên Cổng thông tin thư viện
Ông Bùi Minh Tuấn- Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: việc đổi mới hình thức phục vụ bạn đọc trên nền tảng số của Thư viện tỉnh Tây Ninh bước đầu đạt hiệu quả cao. Số lượt người dùng tương tác, khai thác tài nguyên thông tin ngày càng cao.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Cổng thông tin Thư viện tỉnh đã có trên 1,5 triệu lượt bạn đọc truy cập và hàng chục ngàn lượt truy cập vào các nền tảng trực tuyến của Thư viện tỉnh để tìm kiếm và khai thác thông tin do thư viện cung cấp.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, để thư viện tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất thiết phải đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, từng bước phát triển thư viện điện tử, thư viện số, cung cấp nguồn tài nguyên số cho cộng đồng mọi lúc, mọi nơi.
Đồng thời, xây dựng thư viện thành một môi trường đọc thân thiện, một không gian mở, ngoài việc cung cấp thông tin, tri thức cần thiết cho nhu cầu của cộng đồng, thư viện còn là một không gian chia sẻ, trải nghiệm dành cho bạn đọc ở mọi lứa tuổi.
Yến Nhi