Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thừa giáo viên- hệ quả của đào tạo không gắn với nhu cầu

Cập nhật ngày: 22/06/2016 - 03:08

Thí sinh soạn giáo án trong kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục Tây Ninh.

Một cuộc khảo sát, thống kê gần đây cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên phổ thông (trong đó cấp tiểu học khoảng 41.000, cấp trung học cơ sở hơn 12.000 và cấp trung học phổ thông gần 17.000). Lý giải cho tình trạng trên, tác giả của cuộc khảo sát (là hiệu trưởng của một trường đại học) cho rằng hệ thống đào tạo giáo viên đang bộc lộ những hạn chế. Cụ thể là việc phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu và phát triển trong tình trạng thiếu ổn định, do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng viên. Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh thấp. Hầu hết các trường lại tập trung đào tạo mới và nâng cao trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại. Các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, chuẩn mực quản lý hoạt động đào tạo, cũng như công cụ và cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập.

Cách nhìn nhận vấn đề như vừa nêu trên là đúng nhưng chưa đủ. Trước hết, cần thống nhất rằng: tình trạng thừa giáo viên phổ thông là do trong một thời gian dài, hầu hết các trường sư phạm (trung cấp, cao đẳng, đại học) đã tuyển sinh một cách ồ ạt. Chủ trương tuyển sinh này bắt nguồn từ một nguyên nhân vừa trực tiếp vừa sâu xa. Nguyên nhân trực tiếp: cơ sở đào tạo sẵn sàng tiếp nhận thí sinh có nhu cầu học ngành sư phạm. Xét theo quan hệ cung cầu, thí sinh, sinh viên sư phạm là khách hàng, còn nhà trường là cơ sở cung cấp dịch vụ. Người học có nhu cầu thì cơ sở đào tạo đáp ứng. Nguyên nhân sâu xa: trường sư phạm tuyển sinh số lượng lớn mà không tính toán đến nhu cầu của xã hội là do yếu tố lợi ích chi phối. Sinh viên sư phạm không phải nộp học phí mà chi phí đào tạo do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Tính bình quân, để đào tạo một sinh viên sư phạm, trong một năm ngân sách Nhà nước chi khoảng sáu triệu đồng. Tuỳ trình độ, văn bằng đào tạo, một sinh viên từ khi vào học cho đến khi tốt nghiệp phải tiêu tốn học phí từ 15 – 30 triệu đồng. Toàn bộ khoản tiền này Nhà nước phải chi trả cho cơ sở đào tạo.

Tuyển sinh, đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội dẫn đến dư thừa giáo viên phổ thông (sắp tới có thể dư thừa cả giáo viên mầm non) còn có nguyên nhân khác ít được đề cập đến: chính sách dân số. Chính sách mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con đã khiến cho số học sinh trong mỗi trường ngày càng giảm so với trước. Có trường chỉ trong vòng 15 năm, tổng số lớp học giảm một nửa. Không chỉ giảm số lớp, số lượng học sinh trong một lớp cũng giảm. Theo quy định hiện hành, một lớp học trong trường phổ thông không quá 45 học sinh. Càng về sau, số học sinh trong mỗi lớp càng ít. Tình trạng này phổ biến ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Có trường trung học cơ sở, thậm chí cả trung tâm giáo dục thường xuyên của một huyện có chưa tới 100 học sinh. Nếu tính theo mức định biên (tỷ lệ giáo viên/lớp) theo tinh thần của Thông tư 35 do Bộ Giáo dục- Đào tạo ban hành thì những trường như vừa nêu thừa rất nhiều giáo viên. Rõ ràng, chuyện thừa giáo viên không chỉ là những người đã tốt nghiệp sư phạm nhưng chưa tìm được bục giảng mà ngay trong nhà trường phổ thông cũng có. Nếu tính cả giáo viên trong và ngoài nhà trường, con số dư thừa có thể lên đến hàng trăm ngàn chứ không chỉ dừng lại ở 70.000.

Chuyện học sinh bỏ học hoặc không tiếp tục học cũng là một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ giữa giáo viên và học sinh ngày càng mất cân đối. Ví dụ, có tỉnh mỗi năm có từ 12.000 – 14.000 học sinh trung học cơ sở được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, nhưng đến khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn 7.000 – 8.000 thí sinh. Như vậy, chỉ trong 3 năm, số học sinh chuyển tiếp giữa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã giảm đi khoảng 30 – 40%. Số liệu thống kê cho thấy, số học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề rất ít, gần như không đáng kể. Điều này có nghĩa, một số lượng không nhỏ học sinh đã bỏ học ở cấp trung học cơ sở hoặc sau khi học xong lớp 9 không tiếp tục học lên cấp trung học phổ thông.

Muốn giảm bớt tình trạng dư thừa giáo viên ngay trong nhà trường, đồng thời hạn chế số giáo sinh, sinh viên sư phạm thất nghiệp, chỉ cần hạ sỉ số mỗi lớp xuống, số lượng lớp học tăng lên, bài toán được giải phần nào. Tuy vậy, nếu tăng số lớp lại phải tăng biên chế, cũng đồng nghĩa với việc tăng chi ngân sách.

Đào tạo theo nhu cầu là một cách làm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, của cơ sở đào tạo đối với xã hội. Không có lý do gì để hằng năm chi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đào tạo giáo viên rồi lại không sử dụng. Thế nhưng, xét cho cùng, chủ trương đào tạo theo nhu cầu lại đang phải đối mặt với những mâu thuẫn. Nếu không tuyển sinh, ngân sách vẫn phải chi trả cho độ ngũ cán bộ, giáo viên các trường sư phạm; còn nếu tiếp tục tuyển sinh thì sinh viên sư phạm ra trường lại không có việc làm.

Ở nước ta có quá nhiều trường sư phạm. Trong 63 tỉnh, thành phố hiện chỉ còn một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên do mới chia tách nên chưa thành lập trường sư phạm, còn lại địa phương nào cũng có, ít nhất là một cơ sở đào tạo giáo viên. Đó còn chưa kể nhiều cơ sở đào tạo không phải là trường sư phạm nhưng vẫn được phép tuyển sinh và đào tạo giáo viên.

 Vừa qua, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo tuyên bố công khai là sẽ cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Phát biểu của tân Bộ trưởng được dư luận xã hội tỏ ra đặc biệt quan tâm và ủng hộ. Bởi vì, vấn đề ở đây không chỉ là số lượng đào tạo giáo viên quá nhiều mà còn là chất lượng giáo viên không cao (trong khi đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục).

VIỆT ĐÔNG


Liên kết hữu ích