Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thúc đẩy chuyển đổi số trong các hợp tác xã nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 29/09/2022 - 10:36

BTNO - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số trong nông nghiệp là cách làm nông nghiệp khác với truyền thống, dựa vào dữ liệu và công nghệ số, mà cụ thể là việc ứng dụng công nghệ số một cách đồng bộ vào tất cả các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trang web của HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nói riêng, vừa là đòi hỏi nhưng cũng là hướng đi tất yếu trong những năm tới. Chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp giúp HTX thay đổi phương thức quản lý và phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Một số mô hình thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ số

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6.2021, cả nước có 17.777 HTX nông nghiệp và 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Hiện nay, cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để đánh giá hiện trạng và hiệu quả của việc áp dụng công nghệ số tại các HTX nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện điều tra đánh giá tại 50 HTX nông nghiệp trên cả nước phân bố theo vùng sinh thái.

Qua đó, Bộ ghi nhận một số mô hình HTX nông nghiệp thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ số vào trong sản xuất kinh doanh. Điển hình như mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 để sản xuất lúa trên “cánh đồng lý tưởng” của HTX nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. HTX ứng dụng đồng bộ nhiều công nghệ thông minh 4.0 ở các khâu canh tác lúa như thiết bị quan trắc môi trường nước tự động để đo cảm biến và theo dõi các chỉ tiêu độ mặn, nhiệt độ, pH, mức nước; sử dụng phân bón thông minh; hệ thống giám sát sâu rầy thông minh; áp dụng các thiết bị máy móc cơ giới hiện đại như sử dụng máy gieo sạ hoặc máy cấy tự động kết hợp bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.

Hay mô hình HTX thủy sản, trồng trọt dùng IoT ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. HTX này đã dùng phần mềm quản lý HTX (dạng ERP), dùng hệ thống phần cứng IoT và phần mềm để quản lý các chỉ số môi trường nước phục vụ nuôi cá trắm lồng trên sông. HTX là hạt nhân để quản lý các dịch vụ cộng đồng khác bằng công nghệ thông tin.

Tuy không nằm trong danh sách các HTX được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lần này, nhưng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cũng là một trong 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước.

HTX đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý tại HTX. Sản phẩm chính của HTX là quả mãng cầu, HTX đã sản xuất theo quy trình chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 25,7ha và đang nhân rộng phát triển diện tích cho các thành viên, hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong quá trình chăm sóc, HTX ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, từ đó tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.

Trong khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, HTX đã thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị bay-Drone cho cây mãng cầu, nhằm thay thế và giảm ảnh hưởng đến sức khỏe cho nhân công tiếp xúc thuốc, tiết kiệm thời gian, chi phí, sử dụng linh hoạt trong điều kiện thời tiết thay đổi….được đánh giá hiệu quả cao.

Sản phẩm có mã QR-code giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất và thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Nhờ áp dụng công nghệ, minh bạch trong sản xuất mà các sản phẩm mãng cầu HTX đã chinh phục được người tiêu dùng. Ở bộ phận quản lý, các bộ phận chuyên môn đều được trang bị hệ thống máy vi tính và được lắp đặt kết nối nội bộ, quản lý bằng hệ thống phần mềm.

Trong hoạt động bán hàng, giới thiệu sản phẩm, HTX có trang web với địa chỉ www.htxnnmangcauthanhtan.vn để quảng bá, giới thiệu và kết nối thị trường; xây dựng thương hiệu và logo của HTX, đang triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Nhận diện khó khăn, đề ra giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp

Chuyển đổi số trong phát triển HTX nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Song, hiện nay, qua công tác điều tra của Bộ cho thấy, sự hiểu biết và nhận thức của số đông các HTX và nông dân về chuyển đổi số hiện nay còn rất hạn chế, nhất là về ý nghĩa, tác dụng cũng như cách làm, cách tiếp cận và quy trình thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Một khó khăn nữa là hầu hết các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Mặt khác, năng lực tài chính có giới hạn cũng là một trở ngại để các HTX tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, lĩnh vực HTX nông nghiệp chưa có bộ data chung hoàn chỉnh để các HTX thực hiện truy cập, sử dụng thông tin, dữ liệu phục vụ cho các hoạt động. Cơ sở hạ tầng thông tin của các HTX còn thiếu, chưa đồng bộ, thậm chí lạc hậu.

Trước những khó khăn đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ HTX nông nghiệp thuận lợi hơn trong chuyển đổi số. Đầu tiên là tăng cường tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương hiểu rõ về chuyển đổi số trong nông nghiệp, từ đó, phổ biến đến các HTX nông nghiệp, nông dân nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số.

Thu hoạch mãng cầu tại HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.

Bộ cũng sẽ xây dựng phần mềm phục vụ quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp liên cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã; tiếp tục xây dựng Data đa mục tiêu trong lĩnh vực HTX nông nghiệp; xây dựng modun, tiêu chí HTX nông nghiệp số, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ trong lĩnh vực kinh tế hợp tác; cung cấp dịch vụ công và đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số cho cán bộ các HTX và nông dân; rà soát hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong phát triển HTX nông nghiệp theo hướng bền vững; huy động các nguồn lực để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số…

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các HTX nông nghiệp tập trung thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ…) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Các HTX cũng cần chủ động tiếp thu, cập nhật đầy đủ các thông tin, dữ liệu của ngành, tham gia các sàn giao dịch thương mại, hội nghị, lớp đào tạo, tập huấn về công nghệ số để nâng cao hiểu biết, nắm bắt thông tin phục vụ thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

Xuân Vũ


Liên kết hữu ích