Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thúc đẩy nâng cao các chỉ số DTI
Thứ bảy: 00:34 ngày 10/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thứ bậc xếp hạng DTI của các địa phương mức trung bình là 0,4595 điểm, Tây Ninh xếp vị trí số 44 với 0,3426 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2020 (xếp 46 với 0,2686 điểm).

VNPT Tây Ninh tham gia triển lãm, tư vấn trao đổi trực tiếp các mô hình, giải pháp công nghệ tại một hội nghị về chuyển đổi số của tỉnh.

Với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ về chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26.1.2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Tây Ninh đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) một cách bền vững; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng chỉ số DTI của tỉnh.

Giải pháp khắc phục, thúc đẩy nâng cao các chỉ số

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Bộ TT&TT đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh: Thứ bậc xếp hạng DTI của các địa phương mức trung bình là 0,4595 điểm, Tây Ninh xếp vị trí số 44 với 0,3426 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2020 (xếp 46 với 0,2686 điểm).

Kết quả cho thấy các nhóm chỉ số về nhân lực số, hoạt động của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số còn rất thấp. Trong khi đó, các chỉ số về an toàn thông tin, thể chế và nhận thức ở mức khá tốt.

Đối với nhóm chỉ số “Nhận thức số”, tỉnh đạt 0,7 điểm, hạng 27. Để khắc phục, thúc đẩy nâng cao các chỉ số nhóm nhận thức số, Sở TT&TT hướng dẫn, đôn đốc chủ tịch UBND cấp huyện - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) cấp huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện và cấp xã xây dựng các chuyên trang về CĐS; tăng tần suất phát về CĐS trên các hệ thống truyền thanh cơ sở ở địa phương ít nhất 1 lần/tuần.

Nhóm “Thể chế số” đạt 0,5 điểm, hạng 23. Để nâng cao chỉ số của nhóm này, Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành các chính sách: thuê chuyên gia công nghệ số; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí ngân sách bảo đảm chi cho chuyển đổi số của tỉnh với tỷ lệ khoảng 1% tổng chi ngân sách hằng năm và giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT thúc đẩy nâng cao chỉ số nhóm “Hạ tầng số” với giải pháp là phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, địa phương và các sở, ngành khác sớm tham mưu xây dựng nền tảng bản đồ số dùng chung của tỉnh trong năm 2023, cung cấp giao diện lập trình ứng dụng (APIs) có thể tích hợp vào nhiều ứng dụng khác nhau phục vụ bài toán quản lý nhà nước liên quan đến bản đồ số trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy sử dụng các nền tảng số phát triển kinh tế số, xã hội số ở ngành, địa phương, nhất là các nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với nhóm “An toàn thông tin mạng”, tỉnh đạt 0,3666 điểm, hạng 21. Để nâng cao chỉ số nhóm này, các sở, ngành, địa phương rà soát tham mưu quyết định ban hành cấp độ hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Bộ TT&TT; bảo đảm 100% máy tính làm việc trong các cơ quan nhà nước ở các cơ quan, đơn vị phải cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc, được kết nối về Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh và của Bộ TT&TT.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng ở cơ quan, đơn vị và địa phương mình, không để xảy ra tình trạng mất an toàn thông tin mạng và nhiễm mã độc; kịp thời chỉ đạo tổ chức trực thuộc xử lý nhiễm mã độc.

Nhóm “Hoạt động chính quyền số” đạt 0,3283 điểm, hạng 50. Để nâng cao chỉ số nhóm này, Sở TT&TT chủ trì tham mưu xây dựng mới các nền tảng gồm: nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của chính quyền số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhóm “Hoạt động kinh tế số” đạt 0,2479 điểm, hạng 58. Để cải thiện thứ hạng của nhóm này, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu việc thúc đẩy và xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số, tiếp cận và tham gia chương trình SMEdx; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; xác định tổng kinh phí đầu tư cho kinh tế số hằng năm.

Tập trung nhiệm vụ trọng tâm cải thiện chỉ số DTI giai đoạn 2022-2025

Phấn đấu đến năm 2025, chỉ số DTI của tỉnh vào nhóm khá, trong đó: trụ cột chính quyền số vào nhóm 25 tỉnh/thành phố dẫn đầu hoặc có điểm số trung bình lớn hơn trung bình cả nước; trụ cột kinh tế số vào nhóm 30 tỉnh/thành phố hoặc có điểm số trung bình lớn hơn trung bình cả nước; trụ cột xã hội số vào nhóm 30 tỉnh/thành phố hoặc có điểm số trung bình lớn hơn trung bình cả nước.

Để thực hiện các mục tiêu đó, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng cao chỉ số DTI tỉnh Tây Ninh đến năm 2025.

Đối với chính quyền số, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tăng cường cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.

Đối với kinh tế số, cần xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phát triển doanh nghiệp công nghệ số; ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử; triển khai công nghệ nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh ưu tiên chuyển đổi số như y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, nông nghiệp... Triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng hỗ trợ các doanh nghiệp; tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao khả năng bảo vệ, ứng cứu sự cố, xử lý tấn công mạng của doanh nghiệp.

Đối với xã hội số, phải xây dựng, số hoá các hạng mục dữ liệu; mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu cho người dân; nâng cao mức độ thuận tiện, hiệu quả của dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân. Xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho người dân trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành và địa phương phải có sự vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Người đứng đầu phải chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách; trực tiếp chủ trì xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực giai đoạn 5 năm và hằng năm; TP.Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng nhanh chóng nghiên cứu và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh ở địa phương.

Nhi Trần

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục