Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thúc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải 

Cập nhật ngày: 28/01/2022 - 06:07

BTN - Quy định mới nhằm giúp cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của lái xe, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Từ ngày 1.1.2022, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe container, xe đầu kéo nếu không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt. Quy định mới nhằm giúp cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của lái xe, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Đăng kiểm viên kiểm tra hệ thống camera giám sát trên phương tiện.

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe bảo đảm tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc lắp camera giám sát hành trình sẽ mang lại nhiều lợi ích, doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý giám sát được hoạt động của lái xe, kiểm soát hành vi vi phạm gây mất trật tự an toàn giao thông như nghe điện thoại khi lái xe, không thắt dây an toàn, chở quá số người quy định…

Cơ quan chức năng nhanh chóng truy tìm dấu vết tội phạm, giám sát an ninh trật tự trên xe, truy vết F0, F1, giúp doanh nghiệp vận tải giám sát việc thực hiện 5K từ xa. Trên thực tế, trước thời điểm Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ban hành, nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động lắp camera hành trình trên phương tiện để nâng cao chất lượng quản lý và chất lượng dịch vụ.

Bà Trần Thị Ngọc, ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh cho biết: “Quy định về lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải là hoàn toàn phù hợp, giúp quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và ý thức chấp hành pháp luật về Luật Giao thông đường bộ. Hình ảnh từ camera sẽ cung cấp căn cứ pháp lý đối chiếu khi có sự cố hoặc vi phạm xảy ra, hỗ trợ điều tra nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị phải cắt giảm phương tiện hoặc tạm dừng hoạt động, tính đến việc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Nhiều đơn vị vận tải kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước lùi thời hạn lắp đặt camera giám sát.

Theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1.7.2021, Chính phủ quyết định tạm ngưng xử phạt hành chính đối với việc ô tô không lắp camera giám sát đến hết ngày 31.12.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau ngày 31.12.2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt theo quy định.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đồng tình với việc lắp đặt camera giám sát để bảo đảm an toàn nhưng cần triển khai vào thời điểm phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Dịch bệnh đã khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Một trong các vấn đề làm cho các doanh nghiệp vận tải lo lắng là chi phí lắp đặt camera trên phương tiện thường khá cao, bởi thiết bị đáp ứng yêu cầu phải bảo đảm hoạt động đúng tiêu chuẩn, quy định bắt buộc của cơ quan quản lý, hoạt động an toàn trên xe.

Các doanh nghiệp cho rằng, cần yêu cầu các nhà sản xuất ô tô khi thiết kế ban đầu phải tích hợp thiết bị camera trước khi xuất xưởng để phù hợp với quy định mới. Việc lắp đặt camera cho xe khách và container là đúng xu thế ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và nâng cao sự an toàn đối với hành khách, nhưng cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính hiệu quả.

Để tạo sự đồng thuận trong việc lắp đặt camera giám sát trên các phương tiện, Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của quy định mới, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện.

Các đơn vị kinh doanh vận tải khi lắp đặt camera giám sát lên phương tiện cần lưu ý nguyên tắc đấu nối điện, bảo đảm an toàn, tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất; phòng, chống chạm, chập điện trên xe; nguồn cấp điện cho hệ thống camera cần sử dụng đường cấp điện riêng, lấy trực tiếp từ nguồn ắc-quy trên phương tiện (có bố trí cầu chì, thiết bị bảo vệ phù hợp) để không gây ảnh hưởng đến hoạt động của bất kỳ hệ thống tiêu thụ điện nào khác trên xe…

Tính đến ngày 31.12.2021, trên địa bàn tỉnh có 226 đơn vị kinh doanh vận tải, có 2.165 xe thuộc đối tượng phải lắp camera, trong đó có 1.068 phương tiện đã lắp theo quy định. Nhiều phương tiện không hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa triển khai lắp camera.

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết: “Tôi chấp hành nghiêm quy định về việc xe kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá phải lắp camera giám sát. Tháng 12.2021, tôi đã lắp camera trên 3 xe ô tô kinh doanh vận tải để giám sát tài xế chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông và vận chuyển hàng hoá. Thiết bị camera giám sát trên phương tiện bảo đảm lưu trữ, truyền dẫn thông tin cần thiết”.

Để triển khai thực hiện quy định mới, các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại các văn bản có liên quan trong việc đôn đốc thực hiện kiểm tra lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Đơn vị đăng kiểm tuyên truyền, thông tin đến chủ xe, lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn khẩn trương thực hiện nghiêm đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định, bảo đảm thực hiện xong trước ngày 31.12.2021 theo Nghị quyết số 66/NQ-CP.

Kể từ 1.1.2022, các trung tâm đăng kiểm bắt buộc thực hiện kiểm tra thêm một số nội dung về xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông.

Với những trường hợp không lắp camera giám sát (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh theo quy định sẽ bị từ chối kiểm định. Trường hợp chủ phương tiện hoặc người lái chưa nắm được quy định, các trung tâm tiếp tục tuyên truyền bằng hình thức cử nhân viên nghiệp vụ tư vấn, giải thích quy định pháp luật liên quan cho khách hàng hiểu và thực hiện đúng trước khi kiểm định.

Phần lớn các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải đều nắm bắt được quy định mới, tự giác trang bị camera giám sát cho phương tiện trước ngày 1.1.2022. Từ 1 - 10.1.2022, các trung tâm đã kiểm định cho 210 xe kinh doanh vận tải thuộc diện bắt buộc lắp camera giám sát.

Phương Thảo

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của camera lắp trên xe ô tô sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định hoặc có lắp nhưng không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô theo quy định, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, 10-12 triệu đồng đối với tổ chức.