Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Liên kết Du lịch vùng Đông Nam bộ:
Thúc đẩy phát triển du lịch nội địa
Thứ tư: 00:14 ngày 17/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng có tiềm năng thế mạnh của địa phương như tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hoá cộng đồng, văn hoá ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch…

“Chưa biết đến khi nào Việt Nam mới có thể mở cửa trở lại đối với du khách quốc tế. Do vậy, hơn lúc nào hết, thúc đẩy, phát triển du lịch nội địa vào lúc này là hết sức cần thiết, là cứu cánh của chúng ta”- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị liên kết phát triển du lịch miền Đông Nam bộ, được tổ chức vào cuối tháng 6 tại Tây Ninh.

 

Nhà ga cáp treo Vân Sơn, đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Đ.H.T

Liên kết để phát triển

Cuộc họp để chuẩn bị cho hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ diễn ra chiều 15.6 tại hội trường UBND TP. Hồ Chí Minh, do ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đồng chủ trì. Tham dự còn có đại diện UBND các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Vĩnh Tuyến nêu, dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, đến thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng khi nào nước ta có thể mở cửa để đón khách du lịch quốc tế. Vì thế, hơn lúc nào hết, phát triển, thúc đẩy du lịch nội địa là cần thiết, được coi là cứu cánh trong tình hình hiện nay. TP. Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm hợp tác với các địa phương, quan tâm đến phát triển du lịch ở khu vực Đông Nam bộ.

“Một mình TP. Hồ Chí Minh không thể phát triển được, muốn phát triển du lịch phải có sự liên kết với các địa phương, chúng tôi đã ký kết liên kết hợp tác với các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, tới đây là với khu vực Đông Nam bộ và còn nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, Tây Bắc”- ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.

Với tư cách đơn vị đăng cai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 08-NĐ/TW/2017 về phát triển du lịch. Ngành công nghiệp không khói này. Để chuẩn bị cho hội nghị vào cuối tháng này, Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó có thoả thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ.

Trong thời gian 10 ngày, từ 10 - 20.6, Tây Ninh cùng các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch tổ chức khảo sát để hình thành các tuyến du lịch trong vùng. Một số sản phẩm du lịch, điểm đến của du khách cũng đã được tính đến.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đề nghị kéo dài thời gian hợp tác từ 5 năm (2020-2025) lên thành 10 năm, vì hợp tác, phát triển du lịch cần nhiều thời gian. Về ý kiến này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh sau khi trao đổi, thống nhất rằng trước mắt ký kết hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong thời gian 5 năm. Sau thời gian này tổ chức đánh giá hiệu quả hợp tác rồi sẽ tính đến giai đoạn tiếp theo.

Đại diện UBND tỉnh Bình Phước nêu, muốn phát triển du lịch phải có sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩch vực này và tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển. “Ngoài thoả thuận đa phương, tức giữa các tỉnh trong vùng, nên chăng hội nghị lần này có thêm thoả thuận song phương giữa hai tỉnh với nhau”- lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước góp ý.

 Theo kế hoạch, hoạt động chính của hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 27.6, tại Tây Ninh. Lãnh đạo các địa phương còn lại cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đều thống nhất cao với kế hoạch, nội dung của hội nghị do TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh chuẩn bị.

Ký kết thoả thuận hợp tác

Tại hội nghị này, theo kế hoạch, các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ ký kết thoả thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch trong vùng. Theo tinh thần đó, quan điểm của sự hợp tác là bình đẳng, các tỉnh, cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để cùng phát triển. Hợp tác trên tinh thần tự nguyện, gắn kết, tương trợ, có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể, trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho phát triển du lịch của các địa phương.

Nguyên tắc, phương thức liên kết được thực hiện trên tinh thần khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Từ đó, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Liên kết để xây dựng, phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng phong phú, có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu có sức hấp dẫn khách du lịch, thu hút các nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch 6 tỉnh, thành nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Mục tiêu liên kết nhằm phấn đấu tăng tỷ lệ khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến 5 tỉnh Đông Nam bộ trong liên kết và khách du lịch từ 5 tỉnh Đông Nam bộ trong liên kết đến TP. Hồ Chí Minh qua từng năm, góp phần hồi phục nhanh ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Liên kết để phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của từng địa phương, hỗ trợ phát huy lợi thế của mỗi địa phương và của tất cả các địa phương. Liên kết còn nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài khu vực, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh và quảng bá chung trong và ngoài nước.

Nội dung liên kết, hợp tác được thể hiện qua nhiều phương diện.

Trước hết, là công tác quản lý nhà nước về du lịch. Cụ thể, các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tình hình hoạt động du lịch theo từng năm. Các địa phương trong vùng thông tin về các sản phẩm du lịch, thông tin về thị trường, xu hướng, nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế.

Các địa phương trong vùng cùng trao đổi và thống nhất kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch… tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch, trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch. Các tỉnh, thành phố chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương trong liên kết.

Đối với việc phát triển và liên kết sản phẩm du lịch, trên cơ sở tiềm năng phát triển du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết sẽ lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác.

Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của địa phương. TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch y tế, du lịch đường thuỷ.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung giới thiệu về sản phẩm du lịch biển đảo, văn hoá, tâm linh. Tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, đưa sản phẩm nông nghiệp vào khai thác du lịch.

Tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng có tiềm năng thế mạnh của địa phương như tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hoá cộng đồng, văn hoá ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch…

Về quảng bá xúc tiến du lịch, TP. Hồ Chí Minh sẽ làm đầu mối mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành của TP. Hồ Chí Minh và quốc tế thực hiện các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch.

Các tỉnh, thành trong liên kết chịu trách nhiệm đón tiếp, giới thiệu tại địa phương mình và luân phiên làm đầu mối tổ chức các chương trình. Đài phát thanh và truyền hình, cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết chia sẻ thông tin, bài viết, phóng sự giới thiệu tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến du lịch của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương. Phấn đấu mỗi tuần có ít nhất một bài viết, phóng sự giới thiệu về du lịch của một trong các địa phương trên các chuyên trang, chuyên đề về du lịch của báo, đài các địa phương.

Tăng cường hợp tác giữa các Trung tâm Xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết trong việc phối hợp các Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách. Các địa phương cùng liên kết hợp tác, quảng bá tại sự kiện trong nước và quốc tế. TP. Hồ Chí Minh chủ động phối hợp hỗ trợ các tỉnh miền Đông Nam bộ tìm kiếm và phát triển thị trường quốc tế.

Ông Trần Vĩnh Tuyến (ngồi giữa)- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp.

Một nội dung quan trọng của thoả thuận hợp tác, liên kết là phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo tinh thần này, các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong liên kết.

TP. Hồ Chí Minh giới thiệu giảng viên đào tạo, tập huấn tại các địa phương theo nội dung do các địa phương đề xuất. Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo hiện có của địa phương.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế, các địa phương tổng hợp nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp du lịch để triển khai công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết thường xuyên thông tin cho nhau về chương trình, khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên để các tỉnh thành viên cử cán bộ hoặc giới thiệu doanh nghiệp tham gia.

Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch cũng là một nội dung có trong thoả thuận hợp tác, liên kết. Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết chủ động lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

TP Hồ Chí Minh hỗ trợ kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tới lĩnh vực du lịch cho các tỉnh, thành trong liên kết. Các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong liên kết đến đầu tư phát triển du lịch tại địa phương mình.

Các địa phương trong vùng trao đổi, cung cấp thông tin về hạ tầng du lịch, giao thông và các dịch vụ tại các tỉnh, thành phố trong liên kết. Trên cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, các tỉnh thành viên trong chương trình liên kết cùng nhau thúc đẩy, phát huy lợi thế để phát triển liên kết vùng đặc biệt là khai thác đường hàng không từ Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Các tỉnh, thành phố kêu gọi thu hút các dự án lớn đầu tư phát triển du lịch liên vùng.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh