Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một nội dung quan trọng được Chính phủ đề cập tại chương trình hành động đó là triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Du khách tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Tây Ninh.
Đây là một trong những nội dung trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27.2.2023.
Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Bên cạnh đó, cụ thể hoá và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, năng suất bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam.
Chính phủ đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó tập trung đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá; nâng cao trình độ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Chính phủ sẽ tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình độ thị hoá, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo không để quá chênh lệch so với vùng nông thôn, ven đô thị.
Một gian hàng tại lễ hội nghệ thuật chế biến món ăn chay lần thứ nhất. Ảnh: Khánh Duy
Một nội dung quan trọng được Chính phủ đề cập tại chương trình hành động đó là triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp; tăng cường xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn. Xây dựng thí điểm và phát triển mô hình “Nông thôn năng động - cộng đồng sáng tạo - di sản gắn kết”.
Đây là một nét mới của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đối với Tây Ninh, “Nghệ thuật chế biến món ăn chay”, “Nghề làm muối ớt Tây Ninh” và trước đó “Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Cộng với thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, phát triển du lịch nông nghiệp sẽ là lĩnh vực rất tiềm năng. Năm 2022, tỉnh đã đăng ký 7 mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn tại thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng, các huyện: Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu.
Tuệ Lâm