Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện các giải pháp bảo đảm giải ngân xây dựng cơ bản 

Cập nhật ngày: 12/08/2020 - 10:02

BTNO - 6 tháng đầu năm, các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA... Tây Ninh thực hiện đạt khá cao, đều trên 60%.

6 tháng đầu năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn vẫn phát triển ổn định. Trong đó xác định việc giải ngân xây dựng cơ bản là trọng tâm, quan trọng, đồng thời là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đặt ra, đó là “vừa phòng dịch tốt, vừa phát triển KT-XH”.

GRDP trên địa bàn đạt 38,3%, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản đạt 41,5% so với kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, đạt 43% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, giá trị các ngành dịch vụ chỉ đạt 40,8%- giảm 4%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giảm 2,7% so cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 37% so với kế hoạch, giảm 28% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 45,5% so kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 40% so kế hoạch. Đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 6,8% so cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài (tính đến ngày 30.6.2020) giảm 26,3% so cùng kỳ; thu hút đầu tư trong nước giảm 48% so cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 6, tỉnh đã giải ngân 1.893,102 tỷ đồng, đạt 55,05% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 43,08% kế hoạch HĐND tỉnh giao, tăng 126,23% so cùng kỳ). Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, các nguồn vốn Trung ương như vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA... địa phương thực hiện đạt khá cao, đều trên 60%.

Làm đường giao thông nông thôn.

Để đạt được kết quả như trên, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 803 thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và trong triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Tỉnh uỷ chỉ đạo kịp thời, thường xuyên hội ý, thảọ luận trong lãnh đạo chủ chốt về các giải pháp điều hành KT – XH để ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19; Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác làm việc với 9/9 huyện, thị xã, thành phố để nắm tình hình thực tế, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, đề ra các giải pháp, phương án xử lý dứt điểm các phát sinh, vướng mắc trong thực hiện, bảo đảm các chỉ tiêu KT – XH đã đề ra.

Bên cạnh đó chuẩn bị tốt dự án cho năm kế hoạch; phân khai, phân bổ vốn sớm nhất có thể (thực hiện trong tháng 12.2019 và kết thúc trong tháng đầu năm 2020). Công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, chọn được nhà thầu tốt nhất thực hiện dự án (có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án, bảo đảm chất lượng công trình...).

Một nội dung quan trọng nữa là công tác giải phóng mặt bằng cũng được khẩn trương thực hiện. Tỉnh đã ban hành quy trình mẫu, thống nhất và sẽ thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của tỉnh để kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện công tác này.

Trong xây dựng cơ bản, UBND tỉnh giao thủ trưởng các ngành, địa phương “kiểm tra từng dự án, gõ từng chủ đầu tư”. Giao các chủ đầu tư xây dựng sơ đồ Gantt về tiến độ thực hiện từng dự án; đồng thời có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân phải bảo đảm đến hết quý II đạt 50%, quý III đạt 75% và hết năm 2020 đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh những mặt đạt được, địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vốn bố trí cho các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ. Các dự án này đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đang được khẩn trương triển khai thực hiện.

Các dự án có tỷ lệ giải ngân cao (dự án thấp nhất cũng đã giải ngân đến 84,72%). Hiện tỉnh có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trong năm 2020 để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Để bảo đảm thanh toán, giải ngân đúng tiến độ thi công theo hợp đồng, hiệp định đã ký kết, tránh gây nợ đọng xây dựng cơ bản, tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2016 – 2020 và năm 2020 cho 4 dự án đã đủ điều kiện giải ngân với tổng số vốn khoảng 650 tỷ đồng.

Các dự án gồm: Vốn ODA - Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mekong, hợp phần tỉnh Tây Ninh; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, dự án làm đường ra biên giới xã Ninh Điền và dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.793-ĐT.792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc).

Trúc Ly


Liên kết hữu ích