BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện chính sách an sinh xã hội: Còn một bộ phận người nghèo chưa được hưởng chính sách hỗ trợ

Cập nhật ngày: 13/10/2009 - 05:07

Để chăm lo đời sống người nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8.7.2005 quy định về chuẩn nghèo áp dụng trong giai đoạn 2006-2010, đây là cơ sở pháp lý để các địa phương tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo chuẩn Trung ương, liền kề, cận nghèo. Việc rà soát nắm danh sách hộ nghèo từng năm chính là sơ sở để áp dụng thực hiện các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010.

Với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo trong những năm qua và sự tham gia trợ giúp người nghèo của cộng đồng xã hội, của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm nên số hộ nghèo được kéo giảm đáng kể, cụ thể như ở tỉnh ta số hộ nghèo năm 2005 là 28.200 hộ chiếm tỷ lệ 12,34% so với tổng số hộ trong toàn tỉnh. Qua 3 năm (2006-2008) thực hiện kế hoạch giảm nghèo, đến cuối năm 2008 số hộ nghèo giảm còn 4,67% so với năm 2005 (số hộ thoát nghèo là 9.060 hộ). Kết quả trên nói lên sự nỗ lực của các cấp các ngành đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp giúp cho hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên qua khảo sát thực tế trong thời gian gần đây, chúng tôi được biết khi các địa phương trong tỉnh ta triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các chủ phương tiện xe lôi máy và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, thì lại vướng phải nhiều điều bất cập làm cho một số hộ dân nghèo thật sự chưa được hưởng chính sách từ chủ trương đúng đắn của Nhà nước.

Các hộ nghèo cất nhà tạm bợ trên đất lô 4 ở Hoà Thành.

Thứ nhất, về chính sách hỗ trợ đối với chủ phương tiện xe lôi máy, tại điều 1 Quyết định số 01/2009/QĐ-UBND ngày 7.1.2009 của UBND tỉnh Tây Ninh quy định đối tượng áp dụng như sau: “…chủ phương tiện xe lôi máy có đăng ký phương tiện hành nghề hợp pháp và thu nhập từ xe lôi máy là thu nhập chính của gia đình”. Như vậy đối với chủ phương tiện xe lôi máy không phải là thu nhập chính như những người chuyên sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng xe lôi máy làm phương tiện vận chuyển thì không được hưởng chính sách hỗ trợ. Đến khi, Trung ương có chính sách thì tại Điều 1 Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ  quy định “đối tượng được hỗ trợ là chủ sở hữu phương tiện của loại xe bị đình chỉ tham gia giao thông”. Và tại khoản 2, Điều 1 Thông tư số 122/2009/TT-BTC ngày 17.6.2009 của Bộ Tài chính quy định “chỉ thực hiện hỗ trợ đối với các chủ phương tiện giao thông đã sở hữu phương tiện…”.

Tất nhiên, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định của UBND tỉnh, và không có quy định phải là “thu nhập chính” đối với người chủ sở hữu xe lôi máy, điều đó có nghĩa là các chủ phương tiện xe lôi máy sử dụng làm phương tiện vận chuyển hàng hoá kinh doanh mặc nhiên được hưởng chính sách hỗ trợ!? Trong khi đó ở tỉnh ta còn hàng trăm hộ dân nghèo sinh sống bằng nghề chạy xe lôi, thu nhập chính từ nghề này, nhưng không có giấy tờ hợp pháp chứng minh sở hữu phương tiện đó nên… không được hỗ trợ (!). Bởi lẽ họ quá nghèo không có tiền mua loại xe có giấy tờ đăng ký hợp pháp, mà chỉ có thể mua xe lắp ráp “đầu gà, đuôi vịt”, vì thế số người nghèo này không đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ. Chúng tôi được biết, chỉ riêng tại xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành đã có tới vài chục trường hợp như vậy, nếu thống kê chung trên toàn tỉnh thì con số này sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Thứ hai, về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg hiện nay các địa phương trong tỉnh đang triển khai thực hiện cho đến năm 2012 theo Đề án của tỉnh. Khi tiến hành khảo sát thực tế theo danh sách hộ nghèo năm 2008, 2009, chúng tôi nhận thấy còn khá nhiều hộ nghèo ở Hoà Thành không được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, vì họ quá nghèo không có đất nên đành phải cất nhà tạm trên “lộ 4” (đường cứu hoả theo quy hoạch của đạo Cao Đài hơn nửa thế kỷ trước ở khu vực Toà thánh – Long Hoa), vì thế họ không được xét đưa vào danh sách xây dựng nhà ở. Không có đất thì không thể xây nhà, trong khi họ là những người nghèo thật sự, phải chạy ăn từng bữa và ở tạm bợ trên “lộ 4” làm sao có giấy đất (?!). Mặt khác, có một số hộ nghèo cất nhà tạm trên đất vườn, không có điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa là không có tiền để làm nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục chuyển từ đất vườn sang đất thổ cư. Tất nhiên cũng không đủ điều kiện để hỗ trợ xây nhà.

Về điều bất cập, chưa hợp tình khi thực hiện chính sách hỗ trợ xe lôi máy, mong rằng ngành chức năng nghiên cứu đề xuất, kiến nghị cấp trên xem xét bổ sung để giúp cho người nghèo được nhận tiền hỗ trợ khi thực hiện chủ trương đình chỉ hoạt động, không cho xe lôi máy tham gia giao thông. Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở tạm trên “lộ 4” ở Hoà Thành, thiết nghĩ chính quyền địa phương nên xem xét cấp đất ở những khu vực đất công chưa có nhu cầu sử dụng, hoặc hợp thức hoá giấy tờ đất trên “lộ 4”, vì theo chúng tôi được biết số hộ trên “lộ 4” không nhiều. Đây là lộ cứu hoả được quy hoạch từ rất lâu và không sử dụng, mà trong nhiều năm qua về mặt quản lý Nhà nước tại địa phương, vấn đề này chưa được quan tâm, còn buông lỏng, nên có nhiều tuyến đường không được khai thông trên thực tế. Chúng tôi được biết, có nhiều khu vực người dân tự bao chiếm diện tích “lộ 4”, cất nhà ở ổn định lâu dài, có nơi thì “vô tình” cấp giấy CNQSDĐ trên đất “lộ 4”. Mặt khác chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện giúp hộ nghèo có đất vườn chuyển mục đích sử dụng bằng cách miễn nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành, hoặc cho cam kết nợ, khi nào có tiền sẽ thực hiện nộp sau. Có như vậy may ra một bộ phận người nghèo mới nhận được sự hỗ trợ từ chủ trương đúng đắn của Nhà nước.

HOÀNG PHƯƠNG