BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường: Không có doanh nghiệp, cơ sở nào… vay vốn?

Cập nhật ngày: 02/12/2012 - 08:06

(BTN)- Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mới đây, Sở TN&MT cho biết chỉ mới nhận được…  3 hồ sơ xin vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, 2 trong 3 hồ sơ này lại không hợp lệ. Hồ sơ còn lại đang thực hiện các thủ tục vay thì bị… ngưng hoạt động (DNTN Tú Anh).

Theo Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND, cơ sở áp dụng biện pháp chuyển đổi ngành nghề được hỗ trợ lãi suất tiền vay của 500 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng. Các doanh nghiệp được ưu tiên hợp đồng thuê đất khi di dời vào khu quy hoạch của tỉnh, được tạo mọi điều kiện thuận lợi khi di dời đến các địa điểm khác trong tỉnh; được hỗ trợ mỗi lao động 300.000 đồng/tháng tiền đào tạo lao động trong thời gian không quá 3 tháng. Lao động tạm nghỉ việc chờ doanh nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường, di dời, chuyển đổi nghề được hưởng mức hỗ trợ thấp nhất bằng mức lương tối thiểu trong thời gian tối đa là 6 tháng (chỉ áp dụng đối với các nhà máy, cơ sở hoạt động trước khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực). Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hưởng một số chính sách khác…

Một lò mì rấm gây ô nhiễm môi trường ở Hoà Thành.

Đối tượng được hỗ trợ gồm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh. Thời gian áp dụng đến hết năm 2010. Các cơ sở lựa chọn phương án khắc phục ô nhiễm bằng các hình thức: Xử lý tại chỗ, di dời đến nơi khác hoặc chuyển đổi ngành nghề. Để được hỗ trợ, các doanh nghiệp phải lập đề án xử lý môi trường gồm hồ sơ thuyết minh, bản vẽ kỹ thuật mô tả công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, kinh phí thực hiện và nộp hồ sơ tại Sở TN&MT để trình Ban chỉ đạo xem xét thẩm định…

Thực tế thì vài năm trước đây, Tây Ninh có khoảng trên 100 doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải sản xuất (chủ yếu là nước thải). Trong số này, đa số đều “kêu” thiếu vốn đầu tư. Vậy thì tại sao số doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn khắc phục ô nhiễm lại quá ít như  thế? Theo Sở TN&MT, đó là do còn những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này. Hạn chế đầu tiên là ở ngay… Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND. Bởi Ban chỉ đạo được thành lập cùng với việc ban hành quyết định trên. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, một số thành viên Ban chỉ đạo đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu nên Ban chỉ đạo bị “khuyết”, khiến việc triển khai thực hiện Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND gặp khó khăn.

Nguyên nhân khác là hạn chế ở chính sách hỗ trợ. Theo quyết định trên, các cơ sở áp dụng biện pháp xử lý môi trường tại chỗ được hỗ trợ lãi suất tiền vay của 800 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng. Các cơ sở áp dụng biện pháp di dời được hỗ trợ lãi suất tiền vay của 1 tỷ đồng trong thời hạn 12 tháng. Sở TN&MT cho rằng mức vốn cho doanh nghiệp  vay để khắc phục ô nhiễm môi trường còn thấp, không phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp “thờ ơ” với chính sách hỗ trợ của tỉnh. Đồng thời, thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay chỉ 6 đến 12 tháng là quá ngắn so với thời gian các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Một số hạn chế khác là Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND chưa quy định tỷ lệ cho vay trong tổng kinh phí đầu tư của từng dự án; việc hướng dẫn các thủ tục và quy trình thực hiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ còn bất cập, thiếu thống nhất giữa Ban chỉ đạo và các tổ chức tín dụng về thủ tục - hồ sơ cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi…

Trong thực tế, các doanh nghiệp buộc phải khắc phục ô nhiễm môi trường đa số là các cơ sở chế biến khoai mì. Vài năm trước, hầu hết các cơ sở này hoạt động theo kiểu thủ công truyền thống, quy mô đầu tư nhỏ, nguồn vốn hạn chế. Do đó, nếu phải đầu tư công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hoặc đổi mới công nghệ thì chi phí tăng rất cao, gấp nhiều lần chi phí đầu tư sản xuất cũ nên nhiều cơ sở đã không đầu tư cũng không vay vốn khắc phục ô nhiễm. Nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp là muốn được vay vốn với lãi suất ưu đãi dài hạn, tương đương với kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Một khó khăn khác là các địa phương, khu – cụm công nghiệp ngại tiếp nhận các dự án sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như chế biến khoai mì, mủ cao su nên việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường rất hạn chế. Từ đó dẫn đến việc nhiều cơ sở “làm liều”, vẫn sản xuất bằng công nghệ cũ, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc đầu tư kiểu đối phó, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (gạch ngói), dù tỉnh đã có quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng cơ sở hạ tầng của các vùng quy hoạch chưa được xây dựng. Các cơ sở thuộc diện phải di dời bị buộc sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường trong khi mức hỗ trợ thấp đã khiến một số cơ sở sản xuất gạch thủ công thiếu vốn phải đóng cửa vì không có điều kiện phát triển sản xuất.

HOÀNG THI


 
Liên kết hữu ích