Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực hiện chương trình sức khoẻ Việt Nam
Thứ năm: 13:05 ngày 22/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ toàn diện để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh, vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-UBND triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Sức khoẻ Việt Nam giai đoạn 2019-2030.

PCT UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng đi bộ cùng lãnh đạo Sở Y tế hưởng ứng Chương trình Sức khoẻ Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh.

Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch gồm: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khoẻ nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khoẻ liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2030, Kế hoạch tập trung vào 11 lĩnh vực ưu tiên, chia làm 3 nhóm, cụ thể như sau: Nâng cao sức khoẻ: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực; Bảo vệ sức khoẻ và phòng bệnh: chăm sóc sức khoẻ trẻ em và học sinh phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; Chăm sóc sức khoẻ ban đầu, kiểm soát bệnh tật: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khoẻ người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chăm sóc sức khoẻ người lao động.

Kế hoạch của tỉnh Tây Ninh cũng đề ra nhiều giải pháp thực hiện Chương trình Sức khoẻ Việt Nam tại tỉnh như: Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội khác theo quy định, bảo đảm sự phối hợp, kết nối hiệu quả giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế; Bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày vàng đầu đời của trẻ bao gồm: thực hiện chăm sóc và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và giảm muối trong khẩu phần ăn; Chăm sóc sức khoẻ trẻ em và học sinh; Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho học sinh.

Phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày để vận động, khuyến khích, hỗ trợ cho người dân tham gia và duy trì thói quen vận động thể lực bằng hình thức đi bộ; Tổ chức các chương trình, mô hình vận động thể lực tại cộng đồng dân cư gắn với các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng theo nhóm đối tượng, nhóm tuổi; kèm theo các hướng dẫn, hỗ trợ để người dân hình thành và duy trì thói quen vận động thể lực hằng ngày; Tổ chức tốt các chương trình giáo dục thể chất trong trường học; bảo đảm không gian, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các hoạt động học tập, rèn luyện thể dục, thể thao của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục theo quy định.

Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; Vệ sinh môi trường; Phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm nhằm tăng tỷ lệ phát hiện và quản lý điều trị đối với các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và một số loại ung thư ; Triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân tại tuyến y tế cơ sở, người cao tuổi, người lao động.

Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình tiên tiến về quản lý, sản xuất thực phẩm an toàn. Hoàn thiện và áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt trong sản xuất rau, quả, chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản gắn với chứng nhận và công bố tiêu chuẩn chất lượng. Phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO 22000).

Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng và phát huy hiệu quả mạng lưới thông tin truyền thông từ tỉnh tới địa phương để tuyên truyền, phổ biến vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về nâng cao sức khoẻ, phòng, chống bệnh tật ...

NTTD

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục