Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khi trước,có nhiều nơi lưới điện sử dụng lâu mà không được cải tạo nên đã xuống cấp trầm trọng dẫn đến hao hụt điện rất cao.

Trước đây khi chưa có “Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn tại Tây Ninh”, lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hầu hết do tổ chức ngoài ngành Điện lực và nhân dân tự đóng góp xây dựng để phục vụ nhu cầu có điện sử dụng. Lúc đó, trong hơn 160.000 hộ dân có điện sử dụng thì có đến hơn 100.000 hộ mua điện từ tổ chức hoặc cá nhân ngoài ngành Điện lực. Do hầu hết là tự phát với vật tư lắp đặt tự mua nên đa số thiết bị điện, đường dây dẫn điện không đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống không đảm bảo kỹ thuật.
![]() |
Lắp đặt điện kế bán lẻ đến từng hộ sử dụng |
Có nhiều nơi lưới điện sử dụng lâu mà không được cải tạo nên đã xuống cấp trầm trọng dẫn đến hao hụt điện rất cao. Hơn nữa, trình độ quản lý điện của các tổ trưởng lúc đó còn rất hạn chế, phát sinh nhiều tiêu cực nên ngoài việc phải chịu chi phí tăng cao do điện hao hụt, người dân nông thôn còn phải gánh thêm “tiêu cực phí” nên mức giá điện cao hơn rất nhiều so với những hộ mua điện trực tiếp của ngành Điện lực. Để nâng cao độ an toàn lưới điện, đồng thời giảm chi phí cho người sử dụng điện, Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn đã đề ra mô hình quản lý phù hợp là bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện lực quản lý và tổ chức bán lẻ đến từng hộ.
Đầu năm 2004, dưới sự chủ trì của Sở Công nghiệp, Điện lực Tây Ninh bắt đầu triển khai thực hiện đề án, tổ chức tiếp nhận các tổ điện ở nông thôn và triển khai gắn điện kế trực tiếp bán điện đến từng hộ. Nhờ sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan mà công tác bàn giao và tiếp nhận lưới điện nông thôn diễn ra khá thuận lợi. Đến đầu năm 2008, Điện lực Tây Ninh đã tổ chức tiếp nhận hoàn tất gần 1.600 tổ điện nông thôn với tổng số hộ sử dụng điện là hơn 110.000 hộ. Tổng chiều dài đường dây hạ áp ngành Điện lực đã tiếp nhận là 2.300 km. Sau khi tiếp nhận đến nay, ngành Điện lực tiến hành đầu tư nâng cấp nhiều đường dây đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ gây nguy hiểm.
Tháng 12.2003, UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn. Bởi vì thực trạng lúc bấy giờ có đến hàng ngàn tổ điện nông thôn do nhân dân tự hình thành, tự quản lý nên chất lượng điện cung cấp cho dân nông thôn rất kém mà giá điện phải trả lại rất cao. Đầu năm 2004, Điện lực Tây Ninh bắt đầu triển khai công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn theo đề án, đồng thời triển khai cải tạo lưới điện, gắn điện kế trực tiếp bán lẻ đến từng hộ với giá quy định. Nhờ đó mà ngày nay, việc bảo đảm an toàn điện được nâng lên đáng kể. |
Song song với công tác đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn, ngành Điện lực tiến hành lắp đặt điện kế đúng tiêu chuẩn để bán lẻ đến từng hộ sử dụng ngay sau khi tiếp nhận. Trong đó, ngành Điện lực chịu toàn bộ chi phí lắp đặt điện kế. Năm 2004 toàn tỉnh chỉ có hơn 50.000 khách hàng được lắp điện kế bán lẻ trực tiếp. Sau khi tiếp nhận hoàn tất lưới điện nông thôn theo đề án, có đến hơn 227.000 khách hàng được lắp đặt điện kế bán lẻ trực tiếp.
Như vậy, thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn của tỉnh chẳng những đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân các vùng nông thôn, biên giới mà còn tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới- cụ thể là thực hiện tiêu chí về điện. Theo Bộ tiêu chí quốc gia, để đạt tiêu chí về điện cần đạt cả 2 chỉ tiêu: chỉ tiêu về “tỷ lệ hộ sử dụng điện” và chỉ tiêu về “hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện”. Về tỷ lệ hộ có điện sử dụng, đến nay Tây Ninh có hơn 282.500 hộ có điện sử dụng đạt 99,32% tổng số hộ, trong đó riêng số hộ nông thôn có điện sử dụng là hơn 242.000 hộ- đạt 99,21% tổng số hộ nông thôn, vượt chỉ tiêu quy định là 99%.
Theo khảo xác đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, trong 82 xã nông thôn trên địa bàn tỉnh thì đã có 48 xã đạt tiêu chí về điện. Đây là con số đạt không nhỏ so với các tiêu chí còn lại. Hiện nay, ngành Điện lực tiếp tục tăng cường công tác nâng cấp lưới điện nông thôn để ngày càng có nhiều xã nông thôn đạt tiêu chí về điện.
Sơn Trần