Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực hiện Luật Quy hoạch: Những vấn đề đáng quan tâm
Thứ bảy: 00:18 ngày 02/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quy hoạch tỉnh tích hợp rất nhiều nội dung, cần phải có sự phối hợp của rất nhiều đơn vị liên quan, trong khi các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng của địa phương khi triển khai lập Quy hoạch tỉnh.

Sản xuất gạch không nung.

Luật Quy hoạch ra đời năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019, tạo thay đổi căn bản về tư duy, phương thức làm quy hoạch. Đây được xem là nhân tố mới mang tính tích hợp nhằm đạt mục tiêu phát triển cân đối, hài hoà, hiệu quả, bền vững trên bình diện quốc gia và địa phương. Từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và lập quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội

Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 8.6.2020. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh, bao gồm đại diện các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện.

Ngoài ra, tỉnh còn mời các chuyên gia, nhà khoa học uy tín tham dự các hội thảo tham vấn, lấy ý kiến để hoàn chỉnh các nội đung theo tiến độ lập dự án quy hoạch. Dự kiến Quy hoạch tỉnh trình Hội đồng thẩm định vào tháng 6.2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9.2022, bảo đảm thời gian được Chính phủ gia hạn tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27.9.2021.

Từ khi khởi động lập Quy hoạch tỉnh, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc tiến độ để quy hoạch nhanh chóng được triển khai, sát với thực tiễn địa phương và là mục tiêu, định hướng dài hạn cho sự phát triển.

Lần đầu tiên có một luật quy hoạch chung, được triển khai đồng loạt tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Quy hoạch tỉnh tích hợp rất nhiều nội dung, cần phải có sự phối hợp của rất nhiều đơn vị liên quan, trong khi các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng của địa phương khi triển khai lập Quy hoạch tỉnh.

Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, các nghị định của Chính phủ và thông tư của bộ, ngành đã quy định khá chi tiết về công tác quy hoạch đô thị, xây dựng.

Qua đó, các địa phương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng một cách chủ động, tích cực theo phân công, phân cấp rõ ràng, nâng cao trách nhiệm trong công tác quy hoạch của các cấp, ngành... từ bước lập nhiệm vụ, lựa chọn đơn vị tư vấn quy hoạch có đủ năng lực, nghiên cứu phương án thiết kế quy hoạch theo đúng quy định của Luật Đấu thầu đến công tác lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và công khai quy hoạch. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch xây dựng đô thị đi vào nề nếp, bảo đảm quy định, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định Luật Quy hoạch

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, Luật số 28/2018/QH14, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5.2.2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 26.8.2019 của Chính phủ, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh đề xuất các quy hoạch thuộc đối tượng bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền.

Việc rà soát được tiến hành nhiều đợt, căn cứ trên các văn bản của Trung ương và đề xuất của sở, ban, ngành tỉnh, UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến trước khi ban hành quyết định bãi bỏ. Riêng đối với các quyết định trước kia được phê duyệt dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp thẩm định và tiến hành bãi bỏ theo trình tự đối với văn bản quy phạm pháp luật.

Kết quả rà soát đã bãi bỏ 18 dự án quy hoạch. Việc rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc đối tượng điểm đ khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch được thực hiện ở tất cả các quy hoạch hiện có trên địa bàn, trong đó, tập trung vào các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch không còn thực hiện, không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các quy hoạch bị bãi bỏ thuộc quy hoạch các sản phẩm chăn nuôi, chế biến (gia súc, gia cầm), sản xuất rau an toàn, vùng nguyên liệu mía, sản phẩm thuốc lá, mạng lưới vận tải hành khách, mạng lưới dạy nghề, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu...

Một số quy hoạch bị bãi bỏ được thay thế bởi các quy hoạch mới, đề án, quy định cụ thể như: Quy định quản lý đầu tư xây dựng hệ thống cửa hành xăng dầu, kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh (Quyết định 42/2020/QĐ-UBND ngày 20.10.2020); Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2030 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20.2.2017); Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035 (Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 4.9.2018); Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26.11.2018).

Việc rà soát bãi bỏ một số quy hoạch là phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Một số quy hoạch được bãi bỏ căn cứ theo các văn bản của bộ, ngành Trung ương, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Nhiều điều cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống pháp luật có liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vẫn còn một số tồn tại, bất cập, vướng mắc: việc ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt (theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị) và quy chế quản lý kiến trúc (theo Luật Kiến trúc) có những nội dung, yêu cầu trùng lặp.

Việc bắt buộc lập quy chế quản lý kiến trúc cho tất cả đô thị và nông thôn làm tăng áp lực ngân sách chi cho công tác lập quy chế kiến trúc, tăng áp lực văn bản quản lý đến người dân. Theo Luật Quy hoạch đô thị thì các thành phố, thị xã, đô thị mới được lập quy hoạch phân khu, các thị trấn thuộc huyện chỉ lập quy hoạch chi tiết nhưng cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư phải căn cứ quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.

Do quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có nhiều nội dung mang tính chất chuyên môn nên người dân chưa quan tâm nhiều đến vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch để đóng góp ý kiến, dẫn đến chất lượng ý kiến chưa cao.

Chậm ban hành quy định về quản lý quy hoạch, kế hoạch thực hiện làm cơ sở quản lý quy hoạch theo quy định; nhiều đồ án quy hoạch đã lâu chưa triển khai hoặc đang triển khai nhưng chưa được quan tâm rà soát, đánh giá việc thực hiện để kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời, gây bức xúc cho người dân tại khu vực đã được quy hoạch. Sự phối hợp trong công tác quản lý chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, chưa kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong sử dụng đất gây khó khăn cho thực hiện quy hoạch.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, tỉnh đã kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như sau: phân cấp, giao trách nhiệm nhiều hơn cho UBND cấp tỉnh- nhất là việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất giữa các loại đất, cụ thể Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là quy hoạch tổng thể theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của quốc gia, quy hoạch các khu chức năng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh và cấp huyện; quy định linh hoạt trong việc điều tiết, phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất khi cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thị trường và tình hình thực tế của địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng. Quy hoạch cấp trên xác định chỉ tiêu chung một số loại đất, còn nội hàm địa phương sẽ linh hoạt điều chỉnh.

Trong quy hoạch và phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa, tỉnh đề nghị Trung ương có chiến lược quy hoạch các vùng để bảo đảm an ninh lương thực, chọn vùng có điều kiện thổ nhưỡng, năng suất lúa cao, cụ thể: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long... các tỉnh khác ngoài vùng an ninh lương thực cho phép chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất theo định hướng phát triển KT-XH của địa phương.

Theo ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, những năm qua, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cũng như các quy hoạch khác đã tạo điều kiện cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Luật Quy hoạch hiện nay là theo quy hoạch mới, có những cái cần tích hợp, do đó, phải rà soát để về lâu dài, quy hoạch tỉnh tích hợp tất cả các quy hoạch khác trở thành quy hoạch đạt chất lượng.

Giang Hà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục