BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII): Bến Cầu- gương mặt mới sau 15 năm

Cập nhật ngày: 31/05/2013 - 05:01
HTML clipboard

(BTN)- Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời trong thời điểm mà tình hình kinh tế của Bến Cầu hãy còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng thấp kém, đời sống văn hoá ở địa phương nhìn chung còn nghèo nàn, việc đầu tư trên lĩnh vực văn hoá chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đã vậy, Bến Cầu còn là địa bàn trung chuyển các sản phẩm văn hoá độc hại nước ngoài (theo con đường từ Campuchia vào Việt Nam). Trong điều kiện như vậy, khi Nghị quyết Trung ương 5 ra đời, Đảng bộ, chính quyền Bến Cầu đã sớm lấy đó làm cơ sở lý luận để nâng cao nhận thức và hành động, xem “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế xã hội” ở địa phương.

Cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hoá được chú trọng đầu tư xây dựng

Theo ông Bùi Viết Hùng- Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bến Cầu: “Việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 là việc làm cơ bản, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và đó cũng là một trong những giải pháp hàng đầu để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống”. Bên cạnh Nghị quyết Trung ương 5, ở từng thời điểm, huyện Bến Cầu đã tổ chức triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực văn hoá; tổ chức các lớp chuyên đề bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới cho cán bộ, đảng viên; đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia các đợt triển khai, quán triệt trung bình trên 98%. Sau khi triển khai trong Đảng, công tác này được tiếp tục tổ chức rộng rãi ra quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, các ngành thông tin đại chúng cũng tổ chức các hoạt động bám sát nhiệm vụ chính trị ở địa phương, với nội dung và hình thức phù hợp theo từng thời điểm, chủ đề. Những nỗ lực trên đã tạo được sự chuyển biến mới về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá. Nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá của người dân từng bước được nâng lên qua từng năm. Cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều đưa nội dung xây dựng đời sống văn hoá vào nghị quyết hành động của mình và xem đó là một tiêu chí đánh giá, xếp loại ở các chi, đảng bộ cơ sở và các cơ quan, đơn vị.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được triển khai thực hiện khá đồng bộ, làm cơ sở cho việc thực hiện các cuộc vận động: Xây dựng gia đình văn hoá; ấp (khu phố), đơn vị văn hoá, tiến tới từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nếu như năm 2002, tỷ lệ gia đình văn hoá của toàn huyện chỉ đạt 86,40%, các ấp, khu phố văn hoá chỉ đạt 2,5%; cơ quan, đơn vị văn hoá cũng chỉ 62,5% thì nay, những con số trên đã vượt lên mức từ hơn 95 đến 100%. Phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền được khơi dậy và nhân rộng trong các hộ gia đình qua từng năm. Nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, neo đơn được quan tâm giúp đỡ, tinh thần đoàn kết, tương trợ trong xóm ấp được giữ gìn và phát huy.

Qua 15 năm nỗ lực thực hiện, những chuyển biến của xã hội diễn ra theo chiều hướng tích cực. Tình cảm, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư được gắn kết nhiều hơn, từng bước xoá bỏ những tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội như: tình trạng vi phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, tảo hôn, tổ chức cưới xa hoa, lãng phí hoặc tổ chức tang ma kéo dài quá thời gian quy định, hoạt động mê tín dị đoan vv…vv… Bộ mặt nông thôn ngày nay có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên, nhận thức về văn hoá và nhu cầu hưởng thụ văn hoá trong các tầng lớp nhân dân đã có những chuyển biến rõ nét. Tất cả các xã, thị trấn hiện nay đều có tủ sách. Thư viện huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc ở địa phương. Huyện đã nỗ lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá và kêu gọi xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Hiện toàn huyện có 8/9 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng trung tâm văn hoá- thể thao- học tập cộng đồng; đã xây dựng 13 sân bóng đá, trong đó có 7 sân sân bóng đá mini do tư nhân đầu tư, 20 sân bóng chuyền đơn giản và các khu vui chơi giải trí, câu lạc bộ thể dục thể thao. Những nơi này thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao và học tập chuyên đề, thu hút nhiều người tham gia.

Đời sống văn học nghệ thuật trong huyện cũng có bước phát triển mới. Hiện Bến Cầu có một chi hội văn học nghệ thuật với 47 hội viên, làm nòng cốt trong việc xây dựng phong trào hoạt động văn học nghệ thuật ở địa phương.

Công tác giáo dục truyền thống được tăng cường bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực, đã phát hành, phổ biến nhiều tập sách về lịch sử, về truyền thống cách mạng của huyện nhà. Hiện địa phương có 25 di tích lịch sử văn hoá và di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 9 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia (địa đạo Lợi Thuận).

Đi đôi với xây dựng và phát triển các mặt của đời sống văn hoá, công tác tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm, góp phần tạo môi trường văn hoá lành mạnh. Từ năm 1998 đến nay đã kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực văn hoá như: cơ sở kinh doanh internet, karaokê hoạt động quá giờ quy định; kinh doanh băng, đĩa không tem nhãn, băng, đĩa có nội dung độc hại v.v…

15 năm không dài nhưng những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hoá xã hội ở một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Bến Cầu là rất đáng ghi nhận. Và người dân Bến Cầu có quyền tự hào về gương mặt mới của địa phương nhà như ngày hôm nay.

Đình Nhật