Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Mùa” dịch Covid-19:
Thực phẩm không thiếu
Thứ sáu: 16:48 ngày 13/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid- 19, thời gian gần đây, tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hoá, nhiều người dân lại mua mì gói, gạo và một số nhu yếu phẩm để trữ. Tại đây, các mặt hàng “hot” như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay… được nhân viên châm hàng liên tục.

Gạo và mì gói được xếp riêng biệt cho khách hàng dễ chọn mua tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh. Ảnh: Ngọc Bích

Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá trên thị trường để thu gom hoặc lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hoá bất hợp lý đối với hàng hoá thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khoẻ dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh. 

Đặc biệt chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu; trường hợp phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Mua theo đám đông

Sáng 8.3, có mặt tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh, chúng tôi chứng kiến lượng khách mua sắm khá đông. Ngoài khu vực thức ăn nhanh, các kệ hàng như: mì gói, thực phẩm khô, gia vị, khu tươi sống, rau củ... luôn có đông đảo khách. Những thực phẩm được ưu tiên lựa chọn là mì gói, miến, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, dầu ăn…

Các xe hàng chờ tính tiền chất đầy hàng hoá. Ông N.H.N (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) cho biết: “Do lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên gia đình tôi hạn chế ra ngoài ăn uống, mua sắm. Cuối tuần gia đình tôi tranh thủ vào siêu thị mua thêm ít thực phẩm, mì gói, sữa dùng dần chứ không phải mua tích trữ”.

Theo số liệu thống kê của siêu thị Co.opMart Tây Ninh, trong tuần qua, từ ngày 2 - 8.3.2020, siêu thị đã bán được gần 8 tấn gạo; các thực phẩm mì, miến, phở gói... bán ra tăng 1,5 lần so với tuần trước đó. Đặc biệt, số lượng hàng hoá bán ra tăng mạnh vào 2 ngày cuối tuần.

Theo ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, trong hai ngày cuối tuần 7 và 8.3, sau khi UBND TP. Hà Nội công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên, lượng khách mua hàng tại siêu thị tăng mạnh. Các mặt hàng được mua nhiều là gạo, mì gói, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… Trong đó, gạo và mì gói là 2 loại thực phẩm được nhiều khách hàng mua với số lượng lớn.

Còn tại cửa hàng Bách Hoá Xanh trên đường Võ Văn Truyện (TP. Tây Ninh), sáng 10.3, tấp nập người mua hàng. Một nhân viên cửa hàng cho biết, từ sau khi Việt Nam có bệnh nhân Covid-19 thứ 17 và những ca tiếp theo đó, sức mua tại cửa hàng những ngày qua có tăng so với ngày thường. 

Các siêu thị lớn, các tiệm tạp hoá lớn, nhỏ ở các khu chợ, khu dân cư cũng liên tục “cháy hàng” mì gói. Chị Nguyễn Ngọc My, chủ một tiệm tạp hoá ở phường Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh) cho biết, sau khi ca mắc thứ 17 được công bố tại Hà Nội, trong 3 ngày vừa qua, nhiều người dân đã đến tiệm mua mì gói. Mỗi ngày tiệm của chị bán trung bình 50 - 60 thùng. Đến nay, tiệm đã hết sạch mì gói nhưng vẫn còn nhiều khách hàng đến hỏi mua.

Nói về lý do mua thực phẩm về dự trữ, bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ, ngụ phường Hiệp Ninh cho biết, bà nghe thông tin về số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng nên rất hoang mang, lo lắng. Để hạn chế người thân ra đường, đi ăn hàng quán, bà mua mì gói, gạo và một số thực phẩm ăn liền để dự trữ hết tháng này. Thậm chí có nhiều người đi mua thực phẩm dự trữ vì thấy nhiều người xung quanh đổ xô đi mua. Như chị Phạm Thị H.D, ngụ phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) cho biết, chị đi chợ thấy rất nhiều người đến tiệm tạp hoá mua mì gói dự trữ. Vì vậy, chị cũng tranh thủ mua vài thùng về dự trữ theo do sợ hết hàng.

Bảo đảm không thiếu nguồn cung

Mặc dù nhiều người dân đổ xô đi mua nhưng các điểm bán hàng như chợ, tiệm tạp hoá và nhất là các siêu thị đã không xảy ra tình trạng bị động, thiếu hàng mà đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dân.

“Siêu thị Co.opMart Tây Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, siêu thị cam kết bảo đảm đầy đủ các mặt hàng... với giá bình ổn. Các mặt hàng luôn được chất đầy ắp trên các kệ, các ụ riêng biệt. Tuy nhiên, siêu thị sẽ giới hạn số lượng thực phẩm khách hàng được mua, mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 thùng mì, 2 bịch gạo/ngày để tránh tình trạng thu gom, đầu cơ lương thực, thực phẩm”- ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết thêm.

Chị Trần Thị Thu Thảo, chủ một tiệm tạp hoá ở phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) cho biết, mặc dù mì gói cháy hàng liên tục nhưng nhà cung cấp loại thực phẩm này bảo đảm đủ nguồn hàng cho các điểm bán. Chị chỉ cần đặt hàng là hôm sau đã được nhà cung cấp giao hàng nhanh chóng. Vì vậy, số lượng hàng hoá vẫn bảo đảm nhu cầu của người dân tại khu vực. Mặc dù bán được nhiều hàng hoá chị rất vui nhưng chị cũng mong bà con không nên quá hoang mang lo lắng, mà nên tin vào công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, chính quyền địa phương.

Theo ông  Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, tình trạng này vẫn chưa nhiều, tập trung vào 3 ngày từ 5 đến 7.3, đặc biệt mức tăng trưởng hàng hoá tại các siêu thị Co.opMart trên địa bàn Tây Ninh tăng 30% so với bình thường, các ngày sau đã giảm dần. Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp và các hệ thống siêu thị thống kê số lượng hàng hoá để báo cáo UBND tỉnh. Các đơn vị cũng đã cam kết bảo đảm số lượng hàng hoá dự trữ đủ cung cấp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Công Thương đã xây dựng các kế hoạch chuẩn bị các loại hàng hoá cần thiết để ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra theo các cấp độ do Sở Y tế đưa ra.

Mì gói được nhiều người dân chọn mua để dự trữ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, lãnh đạo Sở Công Thương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng quá mức, phải luôn bình tĩnh, không theo tâm lý đám đông dự trữ thực phẩm để tránh tình trạng hàng hoá khan hiếm, tăng giá ảo hoặc tạo điều kiện cho các gian thương đầu cơ, trục lợi.

Đồng thời, Sở cũng khuyến cáo người dân nên kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, nên cập nhật tình hình dịch bệnh trên các kênh thông tin chính thống; tránh tụ tập nơi đông người, hạn chế đi du lịch nước ngoài- nhất là các nước vùng dịch, tốt nhất nên ở tại nơi cư trú để hạn chế lây lan dịch; thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và báo với chính quyền địa phương khi phát hiện có người lạ, người từ vùng dịch trở về để khai báo y tế kịp thời.

Ngọc Bích - Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục