Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp
Thứ tư: 18:14 ngày 01/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 1.6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT nói về một mẫu bao phân bón kém chất lượng được Thanh tra Sở phát hiện.

Dự hội thảo có ông Lê Văn Thiệt– Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bà Lê Thị Kiều Trang– Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trên địa bàn Tây Ninh hiện có 10 công ty sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với 2.824 sản phẩm lưu thông (trong đó, khoảng 164 sản phẩm của công ty trong tỉnh, 2.660 sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh).

Một số mẫu thuốc BVTV kém chất lượng trưng bày tại hội thảo.

Ông Trần Bạch Phát– Phó chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả công tác thanh tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 và quý I năm 2022.

Theo đó, Thanh tra Sở đã thực hiện 10 cuộc thanh tra tại 139 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh (trong đó có 3 công ty sản xuất phân bón), lấy 331 mẫu (210 mẫu phân bón và 121 mẫu thuốc bảo vệ thực vật) kiểm nghiệm, phát hiện hơn 30% số mẫu là hàng giả, kém chất lượng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân và bà Võ Thị Ngoan - Chánh Thanh tra Sở (đứng giữa) cùng  các đại biểu kiểm tra các mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cái khó trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phần lớn nhỏ lẻ, nằm rải rác; các sản phẩm trên thị trường hầu hết sản xuất từ doanh nghiệp ngoài tỉnh, do đó khi phát hiện sai phạm chỉ xử phạt đại lý kinh doanh và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định mà không thể xử lý toàn bộ lô hàng công ty sản xuất ra.

Việc thông tin các công ty có sản phẩm vi phạm đến các nơi công ty đăng ký sản xuất đã được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao do phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của các địa phương, chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà chưa có biện pháp xử lý cụ thể.

Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại thị xã Hoà Thành (ảnh chụp ngày 1.4.2021).

Các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc), nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Tham gia thảo luận tại buổi hội thảo, các đại biểu kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao mức phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Đồng thời, cần công bố rộng rãi thông tin các cơ sở kinh doanh và những sản phẩm vi phạm để người dân biết và yêu cầu những doanh nghiệp vi phạm bồi thường cho người tiêu dùng bị thiệt hại.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục