Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Một cốc nước cam bằng một thang thuốc bổ” tuy nhiên cần tránh uống trong một số thời điểm dưới đây.
Thức uống trực tiếp "bơm" collagen cho phụ nữ
Nước cam là thứ nước ép phổ biến nhất trên thế giới và còn được mệnh danh là “tốt như thang thuốc bổ”, thường được sử dụng để tăng sức đề kháng cho những người đang mệt mỏi, ốm yếu.
Theo nghiên cứu của Đại học Otago, New Zealand: Thứ quý báu nhất của nước cam chính là lượng vitamin C dồi dào. Đây là loại vitamin tan trong nước có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm trong chức năng miễn dịch. Chúng cũng được coi là thần dược dưỡng da cho chị em khi chứa nhiều vitamin C - vốn là dinh dưỡng cần thiết để kích thích sản sinh collagen, giúp da đàn hồi tốt hơn.
Một cốc nước cam tươi chứa: 112 calo; 2g đạm; 0 chất béo; 26g Carbohydrate; 0 chất xơ; 21g đường...
Nước cam rất bổ dưỡng, nhưng điều quan trọng là bạn phải hạn chế tiêu thụ vì hàm lượng đường cao. Nước cam chỉ nên uống 1 cốc/ngày, tương ứng khoảng 200ml. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống nước cam điều độ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
1. Hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Nước cam là nguồn cung cấp Vitamin C tuyệt vời, một cốc nước cam chứa gấp đôi giá trị khuyến nghị hàng ngày. Vitamin C hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn và có thể có hiệu quả trong việc chống lại cảm lạnh thông thường.
2. Giảm thiểu rủi ro dị tật bẩm sinh
Folate trong nước cam hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đề xuất rằng phụ nữ mang thai nên bổ sung ít nhất 400 mcg folate hoặc axit folic mỗi ngày để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh.
3. Giảm nguy cơ sỏi thận
Nước cam chứa hàm lượng kali citrate cao. Chất dinh dưỡng này liên kết với canxi trong nước tiểu, tạo ra một môi trường mà sỏi thận ít có khả năng phát triển.
Theo nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, cam là loại quả có vị ngọt, tính mát. Có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu. Cam là loại cây dễ trồng, có thể dùng vỏ, lá, hoa, vỏ cây hãm nước uống, vừa thơm lại phòng ngừa bệnh giúp ngủ ngon, máu lưu thông tốt.
Từ quả cam, có thể điều chế thành các thức uống/bài thuốc tốt cho sức khỏe sau đây:
- Giải khát, mát phổi, tiêu đờm: Cam tùy dùng vắt lấy nước uống.
- Trị đờm trệ, tiêu hóa kém: Vỏ cam tùy dùng. Sắc uống.
- Trị sau đẻ bị phù: Vỏ cam, vỏ bưởi, ngũ gia bì lượng vừa đủ bằng nhau, sắc uống.
- Trị tai chảy nước vàng hoặc máu mủ: Lá cam non lương tùy dùng. Giã, hòa nước, chắt lấy nước cốt, nhỏ tai, ngày vài lần.
5 thời điểm không được uống nước cam
- Khi bụng đang đói: Nước cam nhiều axit, uống lúc bụng đói sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
- Uống trước khi đánh răng: Sau khi uống nước cam axit trong nước cam sẽ bám lên bề mặt của men răng. Nếu đánh răng ngay có thể làm cho men răng bị tổn thương nặng nề. Do đó, chị em nên súc miệng ngay để loại trừ sự bám dính của axit trên răng.
- Đang bị viêm loét dạ dày tá tràng: Với nhiều axit tự nhiên, cam có thể gây ra cảm giác ợ nóng và cũng có thể làm trầm trọng tình trạng viêm loét trong cơ thể người bệnh. Vì vậy, nếu bạn đang trong tình trạng bệnh, hãy uống cam khi đã no bụng để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe.
- Khi vừa uống sữa xong: Nguyên nhân chính là do sự tương tác giữa protein có trong sữa và axit tartaric cùng vitamin C có trong quả cam. Điều này ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và có thể gây ra các triệu chứng như chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy và các vấn đề khác liên quan đến dạ dày.
Uống ngay trước khi ngủ: Theo lương y Bùi Đắc Sáng, nước cam có tác dụng sinh tân dịch và lợi tiểu, dễ gây đi tiểu đêm và làm mất ngủ. Ngoài ra, trước thời gian đi ngủ cơ thể cần được nghỉ ngơi, nếu uống nước cam vào thời điểm này sẽ khiến cơ thể dư thừa năng lượng và tích tụ chất béo ở bụng.
Nguồn PNVN