Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thuốc lá điện tử có thực sự an toàn?
Thứ ba: 17:08 ngày 22/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử là sản phẩm an toàn, có khả năng hỗ trợ cai nghiện thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử gây tác hại không hề thua kém thuốc lá truyền thống. Hiện nay, thuốc lá điện tử đang trở thành thú vui thời thượng của giới trẻ tại Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng, tình trạng này thực sự đáng báo động.

Thuốc lá điện tử đang trở thành thú vui thời thượng của giới trẻ.

Thú vui sang chảnh của giới trẻ

Thuốc lá điện tử (tên tiếng Anh là Electronic cigarettes) là loại thuốc lá mới du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer hay hệ thống phân phối nicotine điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems).

Thuốc lá điện tử có thể chạy bằng pin hoặc sạc điện, có bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí, bộ phận chứa ống đựng dung dịch. Thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng (tinh dầu) tạo thành khí dung để người dùng có thể hít vào. Một số loại thuốc lá điện tử bề ngoài có hình dáng giống thuốc lá điếu truyền thống, xì gà. Có loại giống như chiếc bút, cục sạc dự phòng hoặc thiết kế hoàn toàn lạ mắt.

Thuốc lá điện tử có hai loại: loại ống chứa dung dịch nắp mở để người sử dụng có thể tự pha trộn, thêm dung dịch vào ống tiếp tục sử dụng; loại chứa dung dịch trong một ống kín có kích thước vừa vặn để lắp vào thiết bị, chỉ sử dụng một lần.

Ở các quán ăn, quán cà phê, karaoke, công viên, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử diễn ra phổ biến, công khai. Nhiều bạn trẻ hút thuốc lá điện tử như một thú vui, món đồ chơi công nghệ sang chảnh hoặc mong muốn thể hiện bản thân.

Tại một quán cà phê trên địa bàn TP.Tây Ninh, bạn M.H (sinh năm 2000), hào hứng giới thiệu với mọi người về thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử “ngon” chủ yếu dựa vào máy hút và tinh dầu. Thông thường, máy hút có giá từ 200.000 đến vài triệu đồng, thậm chí máy cao cấp có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Loại máy bình dân có giá dao động từ 1,2 – 2 triệu đồng.

Tinh dầu có nhiều loại, tuỳ vào khẩu vị từng người, phổ biến nhất là tinh dầu vị hoa quả như cam, dâu, táo, nho, dưa hấu… giá dao động từ 35.000 – 500.000 đồng/lọ, tuỳ xuất xứ. Người “chơi” thuốc lá điện tử có thể dễ dàng mua tẩu thuốc, hương liệu hút trên các trang mạng xã hội, kênh mua sắm online, việc giao dịch thực hiện dễ dàng, nhanh chóng.

M.H cho biết: “Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng, chức năng của thuốc lá truyền thống, không sinh ra khói, chỉ tạo luồng hơi có mùi vị, cảm giác giống thật. Nhiều bạn bè của em đã chuyển sang dùng thuốc lá điện tử. Nghe nói loại này không gây nghiện và độc hại như thuốc lá truyền thống, bên trong có tinh dầu thiên nhiên, mùi thơm dễ chịu nên mọi người rất thích”.

Thuốc lá điện tử có thực sự an toàn?

Theo nhiều lời quảng cáo có “cánh”, thuốc lá điện tử là sản phẩm mới, ít tác hại, tiện lợi, hương vị đa dạng, mẫu mã phong phú, dễ lựa chọn khiến giới trẻ bị hấp dẫn, hút thử. Nhiều người cho rằng, thuốc lá điện tử không có khói, không chứa chất độc, chất gây ung thư. Tuy nhiên, trên thực tế, thiết bị này có chứa các thành phần hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ con người.

Thuốc lá điện tử làm nóng dung dịch lỏng (tinh dầu) tạo thành khí dung để người dùng hít vào.

Thiếu tá Đặng Tuấn Anh - Đội trưởng Đội chuyên đề công tác nghiệp vụ cơ bản và truy nã truy tìm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an tỉnh cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh- nhất là khu vực biên giới xuất hiện tình trạng học sinh mua thuốc lá điện tử để sử dụng. Các đối tượng bán thuốc lá điện tử dụ dỗ các em hút thử, gây tò mò, thích thú, sau đó mua về sử dụng. Thuốc lá điện tử có tác hại giống với thuốc lá truyền thống, tạo cảm giác phấn khích, sử dụng lâu ngày có thể gây nghiện.

Về mặt y học, thuốc lá điện tử tiềm ẩn nguy cơ về sức khoẻ cho chính người hút và những người xung quanh. Theo bà Nguyễn Ngọc Ánh - Điều dưỡng trưởng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong thuốc lá điện tử có chứa chất Nicotine, gây tác hại giống với thuốc lá truyền thống.

Mặc dù hàm lượng chất Nicotine không nhiều nhưng hiện vẫn chưa được ngành chức năng kiểm định nên khó kiểm soát việc hút thuốc lá điện tử phù hợp với nhóm độ tuổi nào. Trong khi đó, Nicotine có nhiều tác hại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người hút như: suy giảm chức năng tim mạch, rối loạn thần kinh, bệnh lý về phổi như viêm, tắc nghẽn mãn tính. Đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, chất Nicotine làm phát sinh ảo giác, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, hệ thần kinh. Phụ nữ mang thai tăng nguy cơ bị sẩy thai, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi…

“Có quan điểm cho rằng, dùng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá truyền thống là không đúng. Vì trong thuốc lá điện tử có chứa chất Nicotine vẫn gây nghiện, không thể dùng để cai thuốc mà còn gây tác hại tương đương thuốc lá truyền thống. Mọi người không nên tiếp xúc và sử dụng thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử- nhất là thanh thiếu niên”, bà Nguyễn Ngọc Ánh cho biết thêm.

Còn theo ông Trần Văn Thành (ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh) chia sẻ, “Tôi từng biết một trường hợp tìm đến thuốc lá điện tử để cai thuốc lá truyền thống nhưng lại không thể ngừng sử dụng. Cuối cùng, người này đã dùng cả hai loại trên. Việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như pin bị lỗi, quá nhiệt, bắt lửa, chập điện, ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng”.

Khó khăn trong việc quản lý, tuyên truyền

Tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến, không chỉ gây phản cảm mà còn tiềm ẩn nguy cơ về tệ nạn ma tuý, chất kích thích. Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý và xử lý các trường hợp hút thuốc lá điện tử gặp nhiều khó khăn do thiếu chế tài, thiếu sự công nhận tác hại của thuốc lá điện tử từ các ngành chức năng. Hiện nay, pháp luật chưa có chế tài cụ thể quy định về việc xử phạt, quản lý tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử nên cơ quan chức năng chỉ giáo dục, răn đe và yêu cầu các em ký cam kết không tái phạm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Ông Nguyễn Thành Bửu – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh (TP.Tây Ninh) cho biết, tình trạng hút thuốc lá, thuốc lá điện tử rất khó kiểm soát và quản lý vì các em chủ yếu hút ở bên ngoài trường học- nhất là ở quán cà phê, trà sữa…

Ngày càng nhiều học sinh hút thuốc lá điện tử như thú vui sang chảnh. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)

Để ngăn chặn tình trạng này, nhà trường đã đưa việc xử phạt hút thuốc lá vào nội quy của trường; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức  tuyên truyền cho học sinh, giúp các em có cái nhìn đúng đắn về tác hại của việc hút thuốc lá và thuốc lá điện tử. Phụ huynh học sinh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em tránh xa các tệ nạn xã hội, trong đó có hành vi hút thuốc lá, thuốc lá điện tử.

Theo em Đào H. M, học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa, việc hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử là hành động kém văn minh, gây hại cho sức khoẻ người hút lẫn người xung quanh. Các bạn trẻ cần hiểu về tác hại của thuốc lá để tránh xa chúng. Mọi người có thể thể hiện bản thân bằng nhiều cách như thông qua thành tích học tập, năng khiếu, kỹ năng sống… thay vì hút thuốc lá, thuốc lá điện tử.

Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá truyền thống, chỉ lan truyền thông qua lời quảng cáo của người bán. Nhiều ý kiến cho rằng, tất cả các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức.

Để hạn chế tình trạng trẻ chưa đủ 18 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử, thiết nghĩ, ngành chức năng cần quy định cụ thể các chủ cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử phải treo biển “không bán thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi”.

Các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử cần phải in thêm dòng chữ “cấm trẻ em”, hình ảnh cảnh báo về tác hại của nó như trên các vỏ bao thuốc lá truyền thống. Mọi người cần hành động kịp thời, nâng cao ý thức bảo vệ giới trẻ không bị lừa bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn, đồng thời kêu gọi thanh thiếu niên không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện.

Ngọc Bích – Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục