Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thương binh Phạm Hồng Phong: Hết lòng chăm lo công tác Hội
Chủ nhật: 23:47 ngày 30/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh nhiệm vụ của Hội CCB, ông Phong còn đảm trách vai trò Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Long Thành Nam và không nhận phụ cấp.

Ông Phong được UBND thị xã Hoà Thành tặng giấy khen.

Sắp hết giờ làm việc ngày cuối tuần, ông Phạm Hồng Phong- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành vẫn chưa rời tay khỏi bàn phím máy tính. Lão thương binh 71 tuổi chia sẻ: “Phải tranh thủ chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung để chuẩn bị kết nạp hội viên mới”.

Góp công, góp sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc

Quê ở Thanh Hoá, ngày còn trẻ, Phạm Hồng Phong đã tình nguyện tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào quân ngũ, ông cùng một số thanh niên khác được tuyển chọn đào tạo đặc công. “Lúc đó, mỗi xã chỉ chọn 2 người ở gần sông, biển đã biết bơi vào đội đặc công. Hằng ngày, chúng tôi được huấn luyện nghiệp vụ, tập bơi, lặn, trầm mình dưới nước mùa giá rét...”- cựu chiến binh nhớ lại.

Sau khi thành thạo nghiệp vụ, người lính đặc công quê Thanh Hoá được tăng cường vào miền Nam. Suốt những năm trường kỳ kháng chiến, ông tham gia nhiều trận đánh và bị thương nhiều lần. Ngày 24.4.1975, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ phá huỷ xe tăng trong tổng kho Long Bình (tỉnh Đồng Nai). Lần thực hiện nhiệm vụ này, ông Phong bị thương nặng.

Ông Phong kể, thời điểm đó, trong tổng kho Long Bình có 41 chiếc xe tăng. Sau khi bí mật thâm nhập vào tổng kho, một số đặc công dùng hợp chất C4 phá huỷ bình xăng, ông Phong và các đặc công khác dùng súng B40 bắn hạ xe tăng. “Phát hiện xe tăng bị bắn phá, quân địch phản công quyết liệt. Từ trên tháp canh chúng bắn xối xả vào đội đặc công. Tôi bị trúng đạn vào bắp chuối chân phải và văng miểng đạn vào mắt trái”- cựu đặc công kể.

Sau đó, đồng đội dùng cán thương đưa ông rời khỏi chiến trường, vào căn cứ địa ở Biên Hoà chữa trị. Ngày 5.5.1975- sau ngày giải phóng miền Nam, ông tiếp tục được Quân khu 7 đưa vào Bệnh viện Cộng Hoà (Bệnh viện 175 hiện nay) để phẫu thuật lấy miểng đạn ở mắt. Ngày 16.5, ông được đưa về Trạm xá ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dưỡng thương.

Trong những năm tham gia kháng chiến ở Đồng Nai, người lính đặc công này còn bị nhiễm chất độc da cam. Ông Phong được xếp loại thương binh bậc 3/4 và là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, CCB Phạm Hồng Phong vinh dự được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Hội CCB xã Long Thành Nam có 114 hội viên. Các hội viên đều thoát nghèo nhưng có khoảng 10 hội viên hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn. Trong những năm qua, Hội CCB xã đã vận động sửa chữa 3 căn nhà cho hội viên, đồng thời tạo điều kiện cho hội viên nuôi xoay vòng 6 con bò sinh sản. 

Nỗ lực xây dựng quê hương 

Tháng 5.1977, sau ngày thống nhất đất nước, CCB Phạm Hồng Phong về Tây Ninh sinh sống. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, không còn đủ sức khoẻ để chiến đấu, ông Phong tham gia công tác hậu cần, phục vụ chiến trường. Chiến trường im tiếng súng, kẻ thù bị dẹp tan, cuộc sống hoà bình trở lại, ông Phong lập gia đình với một nữ giáo viên đồng hương.

Sau đó, ông tiếp tục học bổ túc, nâng cao trình độ văn hoá và lần lượt công tác ở các đơn vị như Ty Thương nghiệp, Công ty Nông sản thực phẩm, Công ty Tổng hợp, Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu, Công ty Quản lý đường bộ 742, Trạm thu phí cầu Gò Dầu.

Vợ chồng ông về ấp Long Yên, xã Long Thành Nam làm ăn, sinh sống. Năm 2013, ông Phong nghỉ hưu, tham gia vào Hội CCB xã Long Thành Nam. Nhận thấy hẻm số 6 đường Nguyễn Văn Cừ nhỏ hẹp, chiều ngang khoảng 2m, mặt đường lồi lõm, nhiều công nhân Cụm công nghiệp Bến Kéo (xã Long Thành Nam) đi lại khó khăn, năm 2017, vợ chồng ông Phong hiến đất và vận động bà con hai bên đường hiến đất mở rộng mặt đường để Công ty TNHH Hoa Sen (cũ, thuộc Cụm công nghiệp Bến Kéo) đầu tư nâng cấp, trải bê tông xi măng.

Sau khi con đường dài 950m được tráng bê tông, Chủ tịch Hội CCB huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành) đề nghị Hội CCB xã Long Thành Nam trồng hoa kiểng và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, góp phần làm đẹp đường giao thông nông thôn.

Không có kinh phí mua hoa kiểng và vật tư chiếu sáng, vợ chồng ông Phong tiếp tục làm gương đóng góp tiền, đồng thời vận động người dân trong xóm hỗ trợ, mua 160 cây hoàng yến về trồng hai bên đường, đồng thời lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dọc theo tuyến đường. Từ con đường xe bò nhỏ hẹp, sình lầy ngày nào, năm 2018 đã biến thành đường bê tông xi măng bằng phẳng, cao ráo, mặt đường rộng 7m, sạch đẹp, an toàn giao thông.

Những năm gần đây, ông Phong mang nhiều căn bệnh: tim, cao huyết áp, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm và có một vài khối u. Ông đã nhiều lần đến bệnh viện điều trị, nhưng sức khoẻ vẫn không được tốt. Mặc dù vậy, người lính đặc công năm xưa vẫn quan tâm đến công tác Hội.

Ông Phong cho biết, trên địa bàn xã còn 2 con đường đã nâng cấp mở rộng nhưng chưa trồng hoa kiểng và chưa có đèn chiếu sáng. Hội CCB xã Long Thành Nam đã đăng ký nhận trách nhiệm làm đẹp 2 con đường này. Ông Phong chia sẻ: “Hội CCB xã chưa có kinh phí. Dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ vận động các mạnh thường quân, công ty, xí nghiệp, đơn vị trên địa bàn ủng hộ để có chi phí làm đẹp 2 con đường nêu trên”.

Nói về CCB Phạm Hồng Phong, ông Trương Công Anh Hoàng- Chủ tịch Hội CCB xã Long Thành Nam cho biết, dù tuổi đã cao, sức khoẻ không tốt nhưng những năm qua, ông Phong luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác Hội. Nhiều năm liền, ông được UBND xã Long Thành Nam và thị xã Hoà Thành khen thưởng gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh nhiệm vụ của Hội CCB, ông Phong còn đảm trách vai trò Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Long Thành Nam và không nhận phụ cấp.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục