BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thương binh sản xuất giỏi: Thành công trên quê mới

Cập nhật ngày: 25/07/2010 - 10:33
HTML clipboard

Sinh năm 1956, quê Ứng Hoà, Hà Nội, ông Phạm Đức Cảnh lên đường nhập ngũ năm 1975. Đến năm 1977, đơn vị ông tới Tây Ninh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tổ quốc. Do bị thương và sức khoẻ yếu nên năm 1981 ông được ra quân và chuyển ngành về công tác ở Nông trường Nước Trong (Tân Châu). Năm 1983, ông đưa cả vợ con vào làm ăn sinh sống ở xã Tân Hội, quyết tâm làm giàu trên vùng quê mới.

Ông Cảnh đang chăm sóc rẫy mì.

Buổi ban đầu lập nghiệp thật khó khăn, vốn liếng không có, vợ chồng ông Cảnh chỉ làm được căn nhà tranh vách đất để ở trên đất của Nông trường Nước Trong. Ngày ngày, bà vợ đi làm thuê làm mướn, còn ông chồng thì làm bảo vệ cho nông trường. Ban ngày đi làm, chiều tối về, bà lo chăm sóc bầy heo và đàn gà vịt. Còn ông, dù chân thấp chân cao vẫn gánh nước suốt đêm để tưới hàng bông. Làm thuê làm mướn nên thu nhập phụ thuộc vào thời vụ, hết mồ hôi là hết tiền. Đồng lương bảo vệ lại quá thấp, hai vợ chồng ông còn phải nuôi hai đứa con ăn học. Ông tính toán phải bám lấy sản xuất mới phát triển kinh tế được. Thế là ông bà ký nhận hợp đồng trồng mía 20ha với nông trường. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mía đạt năng suất cao, vợ chồng ông bắt đầu có vốn để tích luỹ. Ông bà còn khai phá đất đai, đào gốc cây, phát cỏ tranh, san lấp hố bom để lấy đất trồng mía, trồng mì. Khi trái gió trở trời, vết thương cũ vẫn hành hạ ông nhưng với quyết tâm của người lính, ông vẫn chăm chỉ lao động sản xuất, quyết phấn đấu vươn lên.

Với hai bàn tay trắng, biết tính toán làm ăn, chịu khó lao động, tới nay, vợ chồng ông Cảnh đã xây dựng được căn nhà tường khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, lại còn sắm được cả máy cày để phục vụ cho sản xuất và vận chuyển hàng hoá nông sản. Hai người con của ông bà đều đang học đại học ở Thành phố HCM.

Nghỉ việc cơ quan do sức khoẻ yếu, về địa phương, ông Cảnh vẫn cần mẫn lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Ông đã tham gia BCH Đảng uỷ và được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Ông luôn gương mẫu, nhiệt tình, hăng hái xây dựng phát triển Hội, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quan tâm chăm lo đời sống cho các hội viên nghèo. Hội CCB xã Tân Hội đã vận động quyên góp xây dựng được 8 căn nhà tình đồng đội giúp cho hội viên nghèo với tổng trị giá 240 triệu đồng. Nhiều năm, Hội CCB xã được cấp trên công nhận là đơn vị mạnh của huyện Tân Châu. Ông Phạm Đức Cảnh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương chiến sĩ bảo vệ biên giới, được Hội CCB huyện và tỉnh biểu dương khen thưởng.

CÔNG HUÂN