Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xưa, quê tôi còn nhiều hộ nghèo lắm. Mà nghèo nhất có lẽ là nhà ông Chín. Đó là một mái tranh, vách bồ nằm ở cuối xóm, gần bờ sông. Bên hông nhà ông có con đường đất dẫn xuống bến.
Vườn cao su mùa thay lá (ảnh minh hoạ).
Hồi tôi khoảng chín, mười tuổi, ông Chín đã ngoài sáu mươi, sống một mình, quanh nhà không có rào giậu gì. Ban ngày, ông Chín đi làm mướn kiếm sống, ít có ở nhà. Dù có ở nhà hay đi vắng, ông Chín cũng không cần đóng cửa nhà, vì có đóng cũng như không, bởi vách phên trống trước hở sau.
Trong nhà cũng không có vật dụng gì đáng giá, nồi niêu, gạo thóc, mắm muối, tương cà… thì không thèm ai lấy, thậm chí mỗi khi ông đi vắng, có người còn mang lương thực, thực phẩm để vào nhà cho ông.
Ấn tượng nhất đối với tôi là cây cao su già cỗi ở nhà ông Chín. Hồi đó, có nhiều người trồng cao su tới hàng chục, hàng trăm mẫu để thu hoạch mủ bán cho nhà máy chế biến. Còn ông Chín chỉ trồng đúng một cây cao su, trên gò đất khá cao, phía sau nhà.
Không biết ông trồng từ khi nào, mà lúc tôi lên chín, mười tuổi thì cây cao su bắt đầu già cỗi. Gốc cao su rất lớn, cành nhánh không nhiều. Đặc biệt, thân cây cao su không có dấu vết cạo mủ, và gắn chén hứng mủ như những vườn cao su mà tôi thấy sau này.
Xung quanh thân cây, từ dưới gốc trở lên chừng một thước chằng chịt những vết thương bị chặt, chém bằng dao, mác, thậm chí bằng rựa. Những vết chém ngang dọc, không có một thứ tự nào hết, vết sau chồng lên vết trước, làm cho thân cây xù xì đầy thương tích, mủ chảy ra ứ đọng, khô đen. Nhìn thân cao su bị chặt chém không thương tiếc, thật đau lòng.
Nhà tôi có chiếc xe đạp sườn ngang, kiểu dáng đàn ông (gọi là xe máy cái, còn xe đạp kiểu dáng dành cho phụ nữ, gọi xe máy đầm). Đây là tài sản quý giá và hết sức quan trọng đối với ba tôi. Để nuôi sống gia đình, hằng ngày ba đạp xe khắp làng trên, xóm dưới để làm thuê, làm mướn đủ thứ việc.
Hồi đó, nhà có xe đạp ở quê tôi còn ít. Điểm sửa xe, vá xe rất hiếm. Đường quê nhỏ hẹp, hai bên trồng nhiều bụi tre gai. Xe đi nhiều, vỏ mòn, thường bị gai tre đâm lủng ruột. Xe xẹp bánh, không cưỡi được, mà chỗ sửa xe, vá xe xa, nên mỗi lần xe lủng bánh, ba kêu tôi đến nhà ông Chín xin mủ cao su về tự vá.
Nhà tôi cách nhà ông Chín chừng một trăm thước. Mỗi lần ba biểu, tôi chạy vô bếp lấy chiếc muỗng chan canh và rút con dao phay thẳng hướng đến nhà ông Chín. Đến sân nhà ông, tôi đảo mắt tìm, nếu có ông ở nhà tôi lễ phép thưa:
-Dạ, thưa ông Chín!
-Ờ! Gì đó con? Xin mủ cao su hả? Thì bây ra cây mà chặt.
Lần nào cũng vậy, tôi mới chỉ chào ông, thì ông Chín nói luôn như vậy, không đợi tôi hỏi xin. Thế là tôi “dạ” một tiếng và đi ra chỗ cây cao su. Đó là khi ông Chín có ở nhà. Còn những lúc không thấy ông Chín, tìm xung quanh nhà cũng không thấy ông đâu, tôi kêu lớn:
-Ông Chín ơi! Ông Chín… Cho con xin một chút mủ cao su.
Vừa kêu và hỏi xin, tôi vừa đến bên cây cao su, hai tay cầm dao phay đưa lên mà băm vào thân cây vài nhát. Băm xong, đứng chờ cho những dòng mủ trắng đục rịn ra, rồi đưa muỗng vào vết chặt mà hứng.
Trong khi tôi đi xin mủ cao su, thì ba tôi ở nhà tháo bánh xe, cạy vỏ, lấy ruột xe ra, dùng liềm cạo chỗ ruột xe bị lủng và cạo một miếng ruột xe hư để làm miếng vá. Tôi về đến nhà, ba cũng cạo xong chỗ ruột xe bị lủng và miếng vá.
Ba lấy mủ cao su trét lên chỗ lủng và miếng vá, rồi chờ cho mủ khô, trong suốt, ba mới đắp miếng vá lên chỗ ruột xe lủng, lấy cán liềm và khúc cây kê ruột xe lên mà đập miếng vá cho dính thật chặt vào chỗ vá.
Vá ruột xe đạp bằng mủ cao su như ba tôi như vậy rất chắc, không bao giờ bị tróc vá. Ruột xe được ba vá và bơm cứng chạy bình thường, không thua gì thợ vá chuyên nghiệp. Nhờ vậy, ba tôi không phải tốn công đẩy xe đến chỗ sửa xe, và cũng không phải tốn tiền vá xe.
Còn đối với ông Chín, dù bà con trong xóm có hỏi xin, hay không hỏi xin (vì không thấy ông ở nhà), thấy có người chặt mủ cao su, ông không bao giờ rầy la ai. Bởi mục đích trồng cây cao su của ông là để giúp bà con lối xóm.
Phần ông, từ lúc mới trồng cây cao su cho đến khi cây già cỗi, ông Chín chưa hề tác động vào thân nó một nhát dao nào. Bởi nhà ông không có xe đạp, thì làm gì có bánh xe lủng mà vá, ông chẳng cần lấy mủ cao su làm gì.
Khi tôi trưởng thành, ông Chín đã ra người thiên cổ. Cây cao su của ông già cỗi và chết khô. Các phương tiện giao thông ngày càng phát triển. Đường sá quê tôi được nâng cấp mở rộng. Những bụi tre gai đã đốn bỏ.
Ngày nay, ở quê tôi hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy, xe mô tô, có người còn sắm ô tô. Số người đi xe đạp rất ít. Tiệm sửa xe, vá xe nhiều. Mỗi lần xe hư, lủng bánh thì người ta đẩy ra đó, không ai tự vá bằng mủ cao su nhà ông Chín như ba tôi.
T.L