Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thương chiến đang che khuất những 'ung nhọt' lớn nhất của Trung Quốc
Chủ nhật: 21:00 ngày 28/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đằng sau cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc hiện đối mặt những bong bóng kinh tế đang ngày càng phình to, với nguy cơ phát nổ có thể làm rung chuyển cả hệ thống.

Chiến tranh thương mại là một trong những vấn đề chi phối sự quan tâm của người Trung Quốc trong hơn nửa năm qua. Cuộc đối đầu với Mỹ được cho là nguyên nhân của quá trình giảm tốc kinh tế mà nước này đang gặp phải, với tốc độ tăng trưởng trong quý II năm 2019 rơi xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua.

Không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa, thương chiến với Mỹ khiến các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đánh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi bị hàng loạt công ty Mỹ và châu Âu tẩy chay.

Tuy nhiên, những hệ lụy của chiến tranh thương mại chỉ là một trong số những vấn đề đáng lo nhất mà Bắc Kinh đang đối mặt, và sớm hay muộn, nó cũng có thể được giải quyết êm thấm khi Trug Quốc và Mỹ đi tới một dàn xếp êm thấm. Vấn đề lớn hiện chưa có lời giải mà Bắc Kinh đang đối mặt là những bong bóng kinh tế đang ngày càng phình to trên nhiều lĩnh vực.

Giá nhà quá cao, người lao động quá ít

Bong bóng đầu tiên, bất động sản, là khối "ung nhọt" Bắc Kinh đang đau đầu tìm lời giải. Việc giá bất động sản trên toàn Trung Quốc tăng cao, một mặt cấp số nhân tài sản cho các đại gia đầu cơ, nhưng mặt khác, chôn vùi giấc mơ bắt đầu cuộc sống gia đình tự lập của thế hệ thanh niên nước này.

Bong bóng thứ hai không thể không nhắc đến là quỹ lương hưu ngày càng phình to và có nguy cơ phá sản. Không giống như chiến tranh thương mại, bong bóng lương hưu là một vấn đề khác mang tính lâu dài và khó tìm ra lời giải.

Áp lực về công việc và giá nhà quá cao đang làm giảm tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Tỷ lệ hôn nhân thấp tại Trung Quốc dẫn tới tỷ lệ sinh giảm, đang dần đẩy quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới đi tới viễn cảnh thiếu hụt lực lượng lao động. Khi dân số Trung Quốc ngày càng già đi, số người nghỉ hưu tăng lên, trong khi không có đủ nguồn nhân lực bổ sung cho lực lượng lao động, tất yếu dẫn tới sự chênh lệch khi quá ít người làm việc để chi trả cho quỹ lương hưu.

Gánh nặng của quỹ lương hưu cũng sẽ tác động tiêu cực vào sức chi tiêu của người dân, đe dọa chiến lược chuyển từ mô hình kinh tế dựa vào đầu tư sản xuất sang nền kinh tế tiêu thụ.

Từ cuối những năm 1980, Nhật Bản cũng rơi vào tình cảnh tương tự sau khi kết thúc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhật Bản sau đó đã trải qua thời kỳ được mệnh danh là "3 thập kỷ bỏ phí" khi nền kinh tế liên tục đi ngang hoặc tăng trưởng âm.

Tăng trưởng không bền vững

Với các chuyên gia kinh tế, những khoản đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cả trong và ngoài nước đang góp phần nuôi dưỡng bong bóng nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Tại Đại lục, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một công cụ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên chỉ về mặt số liệu. Tại nước ngoài, các dự án viện trợ tỷ đô dành cho hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng phục vụ mục đích gia tăng ảnh hưởng, kiểm soát của Bắc Kinh đối với các quốc gia từ châu Á, Trung Đông vươn tới tận châu Phi.

Trong khi một số dự án được đánh giá là cần thiết và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, nhiều dự án, ngược lại, hoàn toàn được vẽ ra chỉ nhằm làm thỏa mãn mục đích của các quan chức địa phương Trung Quốc, hay phục vụ mục tiêu chính trị của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Thành phố ma Ordos ở khu tự trị Nội Mông. Ảnh: AP.

Vấn đề nằm ở chỗ những dự án tỷ USD này không mang lại lợi ích về kinh tế. Khi còn trong giai đoạn thi công, các dự án tạo ra thu nhập và việc làm cho công nhân, cũng như nuôi dưỡng hệ thống kinh tế phục vụ nó. Tuy nhiên, khi công tác thi công hoàn tất, tác động kinh tế xã hội của chúng gần như bằng con số không.

Minh chứng rõ rệt nhất của loại dự án xây dựng như thế này là hàng trăm thành phố, thị trấn ma, với những công trình quy mô hoành tráng, nhưng không có một bóng người sinh sống. 

Hình thức tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc được đánh giá là không bền vững. Trong quá khứ, Liên Xô, Nigeria và Nhật Bản đều từng có giai đoạn lựa chọn phương thức tăng trưởng này, nhưng cả 3 đều thất bại.

Chính phủ vừa là chủ nợ, vừa là con nợ

Khi các bong bóng kinh tế phình to tới giới hạn, nó sẽ phát nổ, để lại những khoản nợ khổng lồ cho chính các doanh nghiệp, những nhà đầu cơ, thậm chí cả chính phủ Trung Quốc.

Về mặt giấy tờ chính thức, nợ công của Trung Quốc hiện là 47,6% GDP, một con số nhỏ, đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để có thể tính toán chính xác con số nợ công của Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, các ngân hàng thuộc sở hữu chính phủ cấp tín dụng vay cho các nhà thầu xây dựng, các công ty khai thác khoáng sản, các nhà sản xuất thép, tất cả đều thuộc sở hữu của chính phủ. Khi đó, chính phủ Trung Quốc vừa là người đi vay, vừa đóng vai con nợ. Vì vậy, số liệu công bố được cho là khó đảm bảo tính minh bạch.

Chính phủ Trung Quốc vừa là con nợ, vừa là chủ nợ. Ảnh: AP.

Theo một số tính toán không chính thức được công bố bởi Viện Tài chính quốc tế IFF, là hiệp hội của các tổ chức tài chính toàn cầu, Trung Quốc năm 2018 gánh khoản nợ lên tới 300% GDP.

Trong những mô hình khác, rủi ro có thể được giảm thiểu khi các khoản nợ được phân tán ra nhiều đối tượng, thành phần khác nhau. Tuy nhiên, khi chính phủ Trung Quốc vừa là bên cho vay, vừa là kẻ đi vay, nguy cơ sụp đổ cả hệ thống hiện đã hiện hữu, tạp chí Forbes bình luận.

"Cuộc khủng hoảng Hy Lạp là một minh chứng hết sức chính xác", Forbes nhận định.

Chính phủ vốn đóng vai trò người cầm cân nảy mực, đặt ra các luật chơi cho chủ nợ và người đi vay. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên rối ren khi chính phủ một lúc đóng cả ba vai chủ nợ, con nợ và trọng tài. Tình trạng này sẽ càng phức tạp trong trường hợp khủng hoảng tài chính diễn ra và chính phủ phải sử dụng các gói cứu trợ khẩn cấp đối với các chủ nợ, mà trong trường hợp của Trung Quốc, lại chính là bản thân chính phủ.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục