BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thương chồng đâu quản gian nan 

Cập nhật ngày: 08/01/2018 - 10:10

BTN - Về gia cảnh éo le của chị Lâm Thị Kiều Tiên (sinh năm 1976) thì hầu hết người dân ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên đều biết. Nhiều người không khỏi cảm thông và xót xa cho số phận của chị.

Chị Tiên và con gái út.

Còn nhớ khoảng thời gian sau khi kết hôn, chị Tiên vẫn là người phụ nữ hạnh phúc nhất nhì trong xóm, khiến nhiều người phải ghen tị. Vợ chồng chị có cuộc sống bình yên với hai đứa con gái, một đứa sinh năm 1999 và một đứa sinh năm 2001.

Chồng chị Tiên nổi tiếng siêng năng, tháo vát lại biết thương yêu vợ con. Hai vợ chồng chung lưng đấu cật làm ăn, kinh tế gia đình cũng ổn định. Năm 2008, cô con gái thứ 3 của anh chị chào đời. Thế rồi tai hoạ ập đến khi đứa bé mới hơn 2 tháng tuổi. Chồng chị Tiên bị xuất huyết não do làm việc quá sức.

Di chứng để lại của căn bệnh khiến anh cứ ngơ ngẩn như một đứa trẻ. Từ một người đàn ông trụ cột gia đình, sau khi bệnh, anh như người mất trí, chẳng màng gì đến vợ con và công việc, suốt ngày chỉ đi lang thang ngoài đường. Có khi anh đi 3, 4 ngày mới về nhà. Nhiều lúc anh đi rất xa, may có người quen biết chuyện nên giữ lại rồi liên lạc với chị Tiên để đưa về nhà.

Từ khi chồng lâm bệnh tật, chị Tiên phải thay chồng gánh vác cuộc sống của cả gia đình gồm 5 miệng ăn. Con cái còn nhỏ dại chỉ phụ giúp được những việc vặt trong nhà. Còn chồng chị, giờ chị phải nuôi chẳng khác gì nuôi thêm một đứa con nhỏ. Khoảng thời gian anh bệnh, bao nhiêu tiền của tích góp trước đó đều tiêu tốn cả cho việc chữa trị nên gần như chị phải gầy dựng lại cuộc sống từ đầu.

Không có đất sản xuất, ai thuê gì chị Tiên làm nấy, chẳng ngại vất vả, khó nhọc thế nào. Công việc làm thuê của chị thường bắt đầu từ lúc 12 giờ đêm đến khoảng 7 - 8 giờ sáng, sau giờ đó chị mới về đến nhà.

Chưa kịp nghỉ ngơi, chị lại phải tất tả đi lo cho bầy heo sau nhà, rồi lo cơm nước cho chồng con. Chính cuộc sống vất vả đã trui rèn cho chị một ý chí, nghị lực mạnh mẽ mà không phải người phụ nữ nào cũng có được. Hầu như tất cả công việc nặng nhẹ trong nhà đều do một tay chị đảm đương, kể cả việc tu sửa chuồng trại, chị cũng tự đi mua gạch về xây để tiết kiệm tiền thuê mướn người làm.

Thương mẹ khổ cực sớm hôm, các con của chị thường xuyên đỡ đần bằng cách phụ các việc lặt vặt trong nhà. Mấy đợt heo bệnh, mất giá khiến chị Tiên thua lỗ rất nhiều. Và chị lại vay tiền để gầy đàn heo mới với mong muốn bán được heo để trả bớt nợ.

Ấy vậy mà mấy năm nay, cái vòng lẩn quẩn “vay nuôi - bán lỗ” cứ lặp đi lặp lại khiến tinh thần chị ngày càng kiệt quệ vì nợ nần. Nhiều lúc quá mệt mỏi, bế tắc, chị chỉ còn biết khóc thầm một mình. Người phụ nữ mạnh mẽ ấy có lúc cảm thấy cô đơn trước sóng gió của cuộc đời.

Cách đây vài năm, chị Tiên nuôi thêm gà, vịt để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại chị đang nuôi 28 con heo, 400 con gà và 400 con vịt. Tất cả đều do một tay chị chăm sóc. Chị cật lực làm lụng mà cũng không thể nào đưa gia đình thoát khỏi diện hộ cận nghèo ở địa phương.

Thấm thoát đã tròn 10 năm kể từ ngày chị Tiên thay chồng làm trụ cột gia đình. Bao nhiêu khổ cực chị đều đã nếm trải, bao nhiêu cô đơn, vất vả chị cũng đã vượt qua. Những năm về trước, khi còn trẻ, còn khoẻ chị tự tin mình sẽ lo được cho cả nhà.

Nay sức khoẻ dần bị giảm sút bởi căn bệnh thoái hoá cột sống khiến chị trở nên mềm yếu hơn. Mỗi khi có người chia sẻ, chị thường không cầm được nước mắt. Chị lo sợ mình không đủ sức để tiếp tục lo cho chồng con. Hiện đứa con út của chị mới học lớp 4, đứa lớn đã xuống TP. Hồ Chí Minh học việc, đứa thứ 2 cũng mới nghỉ học trong năm nay để ở nhà phụ giúp mẹ.

Cuộc sống dẫu còn rất khó khăn nhưng không thay đổi được tình thương của chị Tiên đối với chồng con. Chị bảo cái tình, cái nghĩa vợ chồng vẫn còn đó. Chị nhất quyết không đi bước nữa để giữ trọn nghĩa tình với anh. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của chị Tiên là có đủ sức khoẻ để tiếp tục chăm lo cho chồng con và chăm chỉ làm lụng để trả bớt nợ. “Vì chồng con, vất vả mấy tôi cũng cố gắng vượt qua!” - chị Tiên bộc bạch.

Hải Anh