Hôm 19/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo, Bình Nhưỡng đã từ bỏ yêu cầu lâu nay về việc Mỹ phải rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông Moon, Bình Nhưỡng cũng bày tỏ nguyện vọng giải trừ hạt nhân hoàn toàn mà không cần bất kỳ điều kiện nào kèm theo, ngoại trừ mong muốn chấm dứt các chính sách thù địch chống lại Triều Tiên cùng sự đảm bảo về an ninh.
Ngày 21/4, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tiếp tục dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết, Bình Nhưỡng sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, đồng thời sẽ đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền bắc Triều Tiên.
Các tín hiệu tích cực làm dấy lên hy vọng về một giai đoạn tươi sáng mới trong quan hệ giữa hai miền nam - bắc Triều Tiên. Nhiều người thậm chí nghĩ đến cái kết có hậu nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và ông Moon diễn ra tốt đẹp. Chính lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện "nguyện vọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Hàn Quốc" và "viết nên trang sử mới thống nhất đất nước", theo một bản tin ngày 6/3 của KCNA.
Đối với hàng chục ngàn người dân ở cả hai bên đường biên giới, hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới còn là cơ hội hiếm có để họ được gặp lại những người thân yêu đã bặt vô âm tín kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Chiến tranh đã chia cắt bán đảo Triều Tiên cũng như gia đình của hàng triệu người sinh sống ở đó kể từ đầu thập niên 1950.
Ông Kwon Moon-kook, hiện 87 tuổi, mới chỉ là chàng thanh niên 19 tuổi khi chiến tranh nổ ra vào năm 1950. Không đầy 3 tuần sau đó, Kwon được lệnh tòng quân cho miền bắc. Sau một tuần huấn luyện, chàng lính trẻ được phân vào một đơn vị xe tăng tấn công miền nam, nhưng nhanh chóng bị lực lượng Mỹ đẩy lui. Lo sợ sẽ chết trong các đợt oanh tạc của máy bay ném bom Mỹ, Kwon đã đào ngũ và mất 14 ngày đi thẳng một mạch về nhà. Chàng trai trẻ sau đó gia nhập lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu.
Kwon tuyên bố với cha mẹ sẽ đoàn tụ với họ trong vòng một tuần. Nhưng gần 70 năm sau đó, ông vẫn không thể gặp lại hay nhận được bất kỳ tin tức gì từ cha mẹ và hai người em trai. Hiện tại, ông cay đắng nói, nếu biết đó là lần cuối nhìn thấy họ, ông đã không bao giờ rời bỏ gia đình. Ông Kwon đã kể đi kể lại câu chuyện của mình suốt hàng chục năm qua, nhưng mắt ông vẫn đẫm lệ mỗi khi nhắc đến nó.
Ông Roh Hee Kwan, 87 tuổi lại trải qua ngã rẽ cuộc đời theo một cách khác. Vào đầu năm 1951, trong lúc xảy ra giao tranh giữa hai miền nam - bắc Triều Tiên, anh lính Roh, 20 tuổi đã cùng đơn vị của mình được lệnh rời khỏi thành phố biên giới Kaesong để di chuyển về phía nam. Ông Roh kể trên báo USA Today: "Quân đội nói đó là một cuộc thoái lui chiến lược. Họ yêu cầu chúng tôi chỉ cần mang theo lương thực đủ cho 3 ngày".
Tuy nhiên, đó cũng là lần cuối ông nhìn thấy mẹ và các anh chị em của mình. Khi ông cố gắng quay trở lại Kaesong, thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát của Triều Tiên và ông mất dấu gia đình mình kể từ đó. Sự kiện đã xảy ra cách đây 67 năm nhưng ông Roh vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Ông hiện đang sống ở Seoul. Ông đã thử liên lạc với gia đình thông qua Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc nhưng vô vọng.
Ông Kwon và ông Roh không phải là những trường hợp cá biệt. Theo CNN, họ nằm trong số gần 59.000 người Hàn Quốc đã đăng ký với tổ chức Chữ thập đỏ tham gia các chương trình đoàn tụ với Triều Tiên.
Thống kê mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc vào tháng Ba vừa qua cho thấy, kể từ năm 1988 đến nay đã có 131.447 người Hàn Quốc đăng ký có gia đình ly tán vì chiến tranh Triều Tiên. Hơn một nửa trong số họ đã qua đời.
Thời gian dường như cũng không ủng hộ những người này. Trên 60% những người trong danh sách chờ được tham gia các chương trình đoàn tụ của Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đã hơn 80 tuổi. Một phần tư số người có thân nhân ly tán, hiện còn sống đã trên 90 tuổi. Ước tính có khoảng 3.500 - 3.800 người trong số họ qua đời mỗi năm, tức là tương đương 10 người/ngày.
Có lẽ, chẳng mấy ai thực sự cảm nhận rõ tính cấp bách của các cuộc đoàn tụ như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Moon là con trai của một cặp vợ chồng người Triều Tiên sang Hàn Quốc tị nạn trong thời gian chiến tranh. Ông Moon đã tháp tùng mẹ tham gia một cuộc đoàn tụ gia đình tổ chức vào năm 2004. Đó là lần đầu tiên mẹ ông Moon được gặp lại em gái của mình và cũng là lần đầu tiên ông được diện kiến dì ruột.
Trong một bài phát biểu ở Đức hồi tháng 7/2017, ông Moon nhấn mạnh: "Tuổi trung bình của những người đăng ký đoàn tụ gia đình, hiện còn sống là 81 tuổi. Họ cần phải được gặp lại những người thân yêu. Đây là vấn đề nhân đạo cấp bách hơn bất kỳ sự cân nhắc chính trị nào khác".
Tuy nhiên, chương trình đoàn tụ lại chịu sự chi phối trực tiếp của quan hệ chính trị giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tình hình từng trở nên căng thẳng do các cuộc đấu khẩu giữa hai bên, các vụ phóng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
Hai nước mới tổ chức khoảng 20 cuộc đoàn tụ như vậy kể từ năm 2000. Sự kiện gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2015. Vào mỗi dịp này, chỉ có 100 người từ mỗi bên được phép có 3 ngày gặp lại người thân ly tán, trong điều kiện gần như bị giám sát chặt chẽ. Dẫu vậy, các cuộc đoàn tụ diễn ra rất xúc động. Sau thời gian ngắn ngủi bên nhau, những người họ hàng lại phải chia xa lần nữa.
Jang Jae Eun, Phó chủ tịch hợp tác liên Triều tại Hội Chữ thập đỏ Triều Tiên tiết lộ, hội đang vận động tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên hơn, với số lượng người tham gia lớn hơn mỗi lần. Bà Jang hy vọng, kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới sẽ hiện thực hóa được mục tiêu này.
Ông Kwon nói, cơ hội ông được chọn tham gia chương trình đoàn tụ gia đình rất mong manh, do cha mẹ ông có thể đã bị trừng phạt vì con trai đào ngũ. Hơn thế nữa, theo ông, họ nhiều khả năng đã qua đời. Song, ông vẫn không nguôi hy vọng được gặp lại hai người em trai, vốn mới 12 tuổi và 15 tuổi lúc ông ra đi.
Ông Kwon đã kết hôn với một phụ nữ đồng hương từ Triều Tiên, người cũng ly tán gia đình sau chiến tranh. Ánh mắt ông ngời sáng vẻ tự hào khi khoe bức ảnh chụp gia đình mới của mình với 4 đứa con và 9 đứa cháu. Song, đối với người đàn ông ở tuổi "gần đất xa trời" này, chưa một ngày nào trôi qua mà nỗi nhớ gia đình ở bên kia biên giới thôi giằng xé tâm can ông.
Một cách để ông Kwon cảm thấy gần gũi với họ là ngắm nhìn các hình ảnh chụp qua vệ tinh trên ứng dụng Google Earth. Ông lần tìm nơi gia đình và trường học của mình từng ở, gần thành phố cảng Wonsan ở miền đông Triều Tiên.
Ở Hàn Quốc, ông Kwon định cư ở làng Abai trên bờ biển phía đông, gần khu vực phi quân sự (DMZ). Như hàng ngàn người Triều Tiên khác, ông từng hy vọng có thể hồi hương từ nơi này một cách dễ dàng. Song, điều đó chưa không bao giờ xảy ra.
Bất chấp các ký ức đau buồn, ông Kwon chưa bao giờ từ bỏ hy vọng về việc thống nhất hai miền nam - bắc Triều Tiên, về ngày được đoàn tụ những người thân ly tán. Nó đang trỗi dậy mạnh mẽ trước thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 tới. Song, ông Kwon cũng không loại trừ khả năng bản thân không thể chờ đến lúc đó.
Nguồn vietnamnet