Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Sau nhiều năm triển khai thực hiện việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản Tây Ninh, đến nay tỉnh ta đã có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp nhãn hiệu gồm: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen; hai nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh tráng phơi sương và muối ớt Tây Ninh.

Có thể nói đây là tín hiệu đáng vui mừng, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc sản của Tây Ninh có thương hiệu, có chỗ đứng cạnh tranh trên thị trường; đồng thời duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để các thương hiệu đặc sản Tây Ninh có thể phát triển bền vững là một vấn đề vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
|
quy mô Hạn chế, hoạt động cầm chừng
Cuối tháng 8.2014, HTX muối ớt Gò Dầu đã được chuyển giao nhãn hiệu tập thể muối ớt Tây Ninh, đồng thời HTX sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể này. Tuy nhiên cho đến nay, hoạt động HTX vẫn còn khó khăn nên chưa thể phát huy được vai trò của mình trong việc phát triển thương hiệu. Được thành lập vào tháng 10.2012, nhưng đến nay HTX vẫn hoạt động cầm chừng, các hộ kinh doanh riêng lẻ, sản phẩm tự làm tự tiêu thụ, các thành viên chưa có sự liên kết, không thống nhất chung trong quản lý chất lượng và giá cả.
Ông Huỳnh Hữu Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX muối ớt Gò Dầu cho biết: “HTX hiện có 11 thành viên, mỗi thành viên đều có bí quyết, công thức làm muối ớt riêng nên chưa thống nhất quy trình sản xuất chung để sử dụng nhãn hiệu. Do đó mà đến nay, dù đã có nhãn hiệu tập thể nhưng HTX vẫn chưa cho xã viên sử dụng, mà trước mắt các xã viên vẫn sử dụng nhãn hiệu riêng của cơ sở mình”. Hiện HTX vẫn chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm nên chỉ sản xuất số lượng ít cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ông Thành cũng cho biết HTX không có văn phòng để hoạt động, trưng bày sản phẩm. Năm 2002, tuy HTX được UBND thị trấn Gò Dầu giao 2 phòng học của Trường mẫu giáo Thị trấn cũ làm văn phòng nhưng cho tới nay văn phòng vẫn chưa có trang thiết bị, cơ sở bị xuống cấp nhiều nên cũng không thể sử dụng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), để tiếp nhận nhãn hiệu tập thể này, Sở cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp thực hiện trong quá trình triển khai xây dựng thương hiệu. Từ việc xúc tiến thành lập HTX cho đến mời các cơ sở sản xuất, kinh doanh muối ớt tham dự lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác và HTX. Bên cạnh đó, Sở còn hoàn chỉnh tờ rơi và phóng sự làm tài liệu quảng bá nhãn hiệu tập thể Muối ớt Tây Ninh khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại… Tuy nhiên với tình trạng hoạt động thực tế của HTX muối ớt Gò Dầu thì nhãn hiệu tập thể đã được trao vẫn chưa thể tận dụng và phát huy được.
Chưa chú trọng đến bao bì của sản phẩm
HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Tiến (thị trấn Trảng Bàng) được thành lập vào năm 2005. Đây là HTX chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh tráng và muối tôm. Hiện nay các thành viên của HTX đều được sử dụng logo nhãn hiệu sản phẩm tập thể.
Ông Phạm Văn Hiền – Phó Chủ nhiệm HTX cho biết thương hiệu bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ xét công nhận đạt cấp quốc gia và được bầu chọn đứng hạng nhì toàn quốc. Từ khi được công nhận thương hiệu, lượng tiêu thụ bánh tráng Trảng Bàng tăng cao. Hiện nay bánh tráng Trảng Bàng không chỉ được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành, nhất là thị trường ở Đồng Nai, TP. HCM mà còn được xuất sang Campuchia thông qua các cửa khẩu như Xa Mát, Mộc Bài với số lượng đặt hàng lớn, trung bình khoảng 500 xấp bánh mỗi ngày (25 bánh/xấp).
Được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở KH&CN, Liên minh HTX và một số sở, ngành, HTX còn mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ triển lãm ở nhiều nơi như Gia Lai, Kon Tum, các tỉnh miền Tây… để giới thiệu, quảng bá đặc sản tỉnh nhà. Ông Hiền cho hay, mỗi đợt triển lãm như vậy lượng tiêu thụ lên đến 30 tấn bánh tráng phơi sương và bánh tráng nem. Thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà bánh tráng Trảng Bàng càng được nhiều người, nhiều nơi biết đến.
Tuy nhiên, ông Hiền cho biết, khi đi tham quan nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng khác như HTX bánh tráng Phú Hoà Đông ở TP. HCM, ở xã Phước Đông, huyện Gò Dầu… ông thấy rằng những cơ sở này có quy mô khá lớn, sản phẩm có bao bì, đóng gói hẳn hoi. So sánh với HTX nhà, ông nhận thấy sản phẩm của mình còn nhiều hạn chế. Trong đó, đáng lưu ý là thương hiệu bánh tráng Trảng Bàng vẫn chưa có bao bì chính thức, dẫn đến sản phẩm dễ bị giả mạo, có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Khó khăn tìm thị trường tiêu thụ
Mãng cầu ta là loại cây ăn trái được trồng phổ biến và lâu đời ở Tây Ninh. Theo Sở NN&PTNT, diện tích cây mãng cầu trên địa bàn tỉnh ta vào khoảng 4.500 ha, trong đó diện tích cây cho quả khoảng 4.300 ha với năng suất bình quân 105 tạ/ha, sản lượng chung toàn tỉnh là 45.150 tấn. Cây mãng cầu được tập trung trồng chủ yếu ở khu vực quanh chân núi Bà Đen như xã Suối Đá, xã Phan, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hưng (Tân Châu); xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh).
Tháng 8.2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen. Đây là cơ sở cho trái mãng cầu Tây Ninh trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, nhà vườn trồng mãng cầu hiện nay đang gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Anh Tùng- một nông dân ngụ ở ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng cho biết, trồng mãng cầu vốn đầu tư cao nhưng khi bán cho thương lái thì hay bị thất giá nên nông dân không có lời. Từ đó mà việc sản xuất mãng cầu theo mô hình VietGAP chưa được nhiều nông dân mặn mà.
Theo một số nhà vườn, nếu trồng mãng cầu theo quy trình bình thường thì vốn đầu tư bình quân từ 80 – 90 triệu đồng/ha, nhưng với mô hình VietGAP thì chi phí sản xuất có thể lên đến 120 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nếu làm đúng theo quy trình còn cần xây dựng kho phân, kho thuốc, kho dụng cụ, nhà vệ sinh… do đó mà chi phí đầu tư là khá lớn. Với chi phí đầu tư cao như vậy mà đầu ra sản phẩm có khi không cao hơn so với mãng cầu bình thường thì nhà vườn càng lỗ nặng.
Ông Huỳnh Biển Chiêu ngụ ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu- là nông dân đã được chứng nhận mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 ha. Đây cũng là một trong hai cơ sở sản xuất đủ điều kiện sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bà Đen cho sản phẩm quả mãng cầu. Ông cho biết hiện nay sản phẩm của ông đang phân phối cho hệ thống các siêu thị Big C, Maximark, Co.opMart (TP.HCM) với sản lượng từ 350 – 500kg/lần (2 ngày/một lần). Đặc biệt vào ngày rằm và cuối tháng, số lượng giao cho siêu thị có thể lên đến 700kg/lần do người dân có nhu cầu mua về cúng. Giá bán cho siêu thị dao động từ 24.000 – 38.000 đồng/kg tuỳ theo sản phẩm, với loại 3 trái/kg có thu hoạch còn lại thường được ông bán ra các chợ đầu mối, mỗi tháng khoảng vài tấn.
Có điều đáng buồn là tại các chợ đầu mối, thương lái thường chẳng quan tâm mãng cầu sản xuất theo quy trình VietGAP, nên ông bán như mãng cầu sản xuất thông thường.
Cần được quan tâm nhiều hơn
Có thể thấy rằng, các sản phẩm đặc sản đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý của Tây Ninh tuy đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng vẫn chưa thực sự bền vững. Để có thể phát triển bền vững các thương hiệu này và không để lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các đơn vị thụ hưởng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan trong việc vận động, hướng dẫn thực hiện, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ kinh phí… để bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phát triển mạnh nguồn lực nội tại nhằm bảo đảm và duy trì chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thương trường để ngày càng phát triển bền vững.
THUÝ HẰNG