Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với các yếu tố địa lý khí hậu đặc thù của vùng núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng, mãng cầu dai ở đây được rải vụ và cho ra trái quanh năm, mùa nào cũng có mãng cầu với tên gọi quen thuộc: Mãng cầu Bà Đen.
Nhiều người làm vườn lâu năm quanh chân núi Bà Đen cho biết, mãng cầu được trồng đầu tiên ở khu vực núi Bà và đồng thời cũng cho chất lượng tốt nhất là mãng cầu được trồng ở ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh. Với các yếu tố địa lý khí hậu đặc thù của vùng núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng, mãng cầu dai ở đây được rải vụ và cho ra trái quanh năm. Tuỳ theo điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường mà có tháng nhiều tháng ít nhưng lúc nào, mùa nào cũng có mãng cầu với tên gọi quen thuộc với người tiêu dùng mọi miền đất nước: Mãng cầu Bà Đen.
Hiện nay Tây Ninh là vùng tập trung cây mãng cầu lớn nhất cả nước. Mãng cầu Bà Đen có diện tích tăng dần từ năm 2007 là 3.483 ha, năm 2008 là 4.200 ha, năm 2009 là 4.400 ha năm 2010 là 4.484 ha. Mãng cầu dai, trái ngon được trồng tập trung chủ yếu ở các xã ven chân núi Bà Đen và vùng phụ cận núi Bà gồm Tân Bình, Thạnh Tân, Ninh Sơn, Ninh Thạnh của thị xã Tây Ninh và các xã Bàu Năng, Phan, Suối Đá của huyện Dương Minh Châu, xã Tân Hưng của huyện Tân Châu.
Để từng bước có các chủ thể đại diện thực hiện bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm mãng cầu, tháng 9.2005 hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh đã được thành lập với người chủ nhiệm đầu tiên là anh Hà Chí Mãng. HTX mãng cầu Thạnh Tân có 60 xã viên và hộ liên kết đang canh tác và khai thác cây mãng cầu. Từ tháng 4.2006 đến tháng 5.2007, Trung tâm giống Nông Nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh là cơ quan chủ trì đề tài phối hợp với Tiến sĩ Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra khảo sát ba đợt cho công trình “Nghiên cứu chọn lọc giống và xác định biện pháp kỹ thuật tổng hợp, nâng cao năng suất phẩm chất mãng cầu ta Tây Ninh. Ông Nguyễn Văn Quảng, Sở NN và PTNT Tây Ninh khẳng định: Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển các giống cây trồng đặc sản địa phương, bảo tồn phát triển các loại nông sản đặc sắc của từng miền vùng. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung trên thế giới về việc bảo hộ các sản phẩm đặc sản địa phương dưới hình thức đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là chỉ dẫn địa lý.
Chăm sóc mãng cầu ở Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh) |
Vì vậy từ tháng 12.2008, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư – Thương mại – Du lịch tỉnh Tây Ninh nhằm xây dựng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể cho hai sản phẩm mãng cầu Bà Đen và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Bà Phạm Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Sở KH và CN Tây Ninh cho biết, ý nghĩa kinh tế, xã hội của việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Mãng cầu Bà Đen” cho sản phẩm mãng cầu là: Tạo nên một vùng chuyên canh mãng cầu cho đến năm 2015 với diện tích khoảng 5.000 ha xung quanh núi Bà và khu vực phụ cận. Giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân với hàng chục ngàn lao động từ trồng trọt, cây giống, chăm sóc vườn, làm cỏ, bón phân, tỉa cành, tạo tán, thu hoạch, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm... Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ đã có Quyết định 2211 chấp nhận đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý thương hiệu mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh.
Hiện nay, 80% sản lượng mãng cầu Bà Đen được tiêu thụ tại các chợ, siêu thị thuộc khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và chợ trái cây các tỉnh, khoảng tám phần trăm được xuất khẩu sang các nước Campuchia, Canada, Pháp, Malaysia... Số còn lại được tiêu thụ ở các chợ tại Tây Ninh. Sản lượng tiêu thụ trung bình hằng năm của các đại lý lớn khoảng bảy trăm hai mươi tấn một năm.
Từ tình hình đó, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Để quản lý và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Đen, mục tiêu trước mắt là lựa chọn các kênh phân phối mãng cầu ở các thị trường trong nước tại các siêu thị CoopMart, Metro, siêu thị trái cây… mà TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và miền Tây Nam bộ là trọng điểm. Về lâu dài chúng ta phải nghiên cứu chào hàng, tiếp thị tới các nước ở khu vực Đông Nam Á không sản xuất mãng cầu như Singapore, Malaysia, Campuchia. Các nước châu Âu như Pháp, Ý, Đức và thị trường Mỹ.
Theo Sở KH và CN Tây Ninh, để có trái cây xuất khẩu, mãng cầu Bà Đen cần đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, Tây Ninh cũng cần nghiên cứu khuyến khích các dự án xây dựng nhà máy chế biến mãng cầu tươi đóng hộp. Tách hạt mãng cầu để xuất khẩu hoặc chế biến dầu trừ chấy rận, thuốc trừ sâu. Phối hợp với các đơn vị làm du lịch lữ hành quảng bá cho vùng chuyên canh mãng cầu như một hình thức du lịch sinh thái, du lịch xanh kết hợp với ngành du lịch, đầu tư các địa điểm du lịch có các vườn mãng cầu kết hợp khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng nhằm quy hoạch khu vực núi Bà Đen thành một vùng du lịch sinh thái lý tưởng trên con đường từ thành phố Hồ Chí Minh đi Campuchia trong tương lai.
HUỲNH MINH ĐỨC