BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thương quá Chốt biên phòng Tân Thanh 

Cập nhật ngày: 04/02/2019 - 21:08

BTNO - Thiếu điện, nước sinh hoạt, thiếu sóng điện thoại, đường đi khó khăn… những điều này khiến Chốt biên phòng Tân Thanh (Điểm cảnh giới Tân Thanh, thuộc Đồn Biên phòng Tân Phú, huyện Tân Biên) gần như biệt lập với xã hội thời 4.0 hiện nay.

Ở Chốt biên phòng Tân Thanh, điện thoại di động phải đặt giữa sân như thế này để hứng sóng.

Một ngày cuối năm, Đại úy Phạm Đình Thắng- Phó Đồn biên phòng Tân Phú  cùng chúng tôi đi thăm Chốt biên phòng Tân Thanh. Nếu không đích thân đến Chốt biên phòng này, thật khó tin được giữa thời buổi hiện đại như hiện nay mà cán bộ, chiến sĩ ở đây còn phải sống trong cảnh muôn bề khó khăn, thiếu thốn.

Từ Đồn Tân Phú đi khoảng 5 km đường vành đai biên giới, đất đỏ bụi mù mới đến Trạm biên phòng Tân Phú. Từ Trạm này, phải dùng xe ô tô bán tải, bò trên tỉnh lộ 791 dài khoảng 7 km nữa mới đến Chốt biên phòng Tân Thanh. Mặc dù là tỉnh lộ, nhưng có thể nói đây là một trong số ít con đường xuống cấp nặng nhất ở tỉnh ta hiện nay.

Tuy đang là giữa mùa khô nhưng nhiều đoạn bị lún sâu cả nửa mét hoặc trũng xuống thành những hố to trên mặt đường. Dù dùng xe ô tô bán tải có gầm cao, nhưng di chuyển rất chậm, ở những nơi mặt đường xấu, gầm xe cạ xuống sột soạt với mặt đường.

Hệ thống trữ điện năng lượng mặt trời đã xuống cấp, được anh em cải tiến lại để sử dụng đỡ.

Hai năm trước, tôi đã từng có lần đi xe máy trên con đường này vào mùa mưa. Lúc đó, mặt đường sình lầy, trơn trợt không thể tưởng. Có những đoạn, mặt đường bị trũng quá sâu, không rõ có ai đã dùng nhiều lóng cây lót xuống thì các phương tiện giao thông mới bò qua được.

Sau một lúc ngồi lắc lư, nghiêng ngã trên xe bán tải, cuối cùng chúng tôi cũng được đến Chốt biên phòng Tân Thanh. Trụ sở Chốt là một ngôi nhà tường nhỏ cấp 4, được xây cất gần tỉnh lộ 791.

Đại úy Phạm Đình Thắng kể, trước đây anh từng công tác ở đơn vị này nên còn nhớ, hồi đó nhà cửa tạm bợ, xung quanh dùng manh bồ che chắn. Sau này cất xây nhà tường, lợp tôn và che chái nhà bên hông bằng tôn, nhưng nền chái vẫn là nền đất. Đồn biên phòng định hỗ trợ xi măng, cát, đá để tráng nền, nhưng vì đường sá khó khăn quá nên không thể vận chuyển những vật liệu xây dựng ấy vào được. Thời gian gần đây, có một đơn vị thi công hệ thống cống thoát nước trên tỉnh lộ 791 đã hỗ trợ vật liệu xây dựng nên mới tráng lại xi măng phần nền chái nhà sạch sẽ được như vậy.

Hệ thống lọc nước sạch được tặng, nhưng chưa phát huy tác dụng, vì thiếu bình chứa nước.

Đang ngồi chuyện trò bên bàn trà thì có tiếng điện thoại reo vang, Đại úy Đỗ Trọng Khánh- cán bộ Chốt biên phòng Tân Thanh vội vàng chạy ra giữa sân- nơi đặt chiếc điện thoại di động trên chiếc ghế nhựa- bấm vào điện thoại để nghe, nhưng không kịp, vì chuông điện thoại chỉ reo lên một hai lần rồi tắt ngúm. Anh Khánh mở lại nhật ký điện thoại, tìm cuộc gọi nhỡ và gọi lại, nhưng mọi cố gắng của anh đều không được, vì sóng điện thoại không còn nữa.

Anh Khánh giải thích, ở khu vực này không có sóng điện thoại mạnh như những nơi khác, duy nhất chỉ có sóng điện thoại của Viettel, nhưng cũng rất yếu. Chúng tôi phải để điện thoại ngoài cố định ở giữa sân như thế để hứng sóng, khi nào trời mưa hay nắng thì phải dùng chiếc nón bảo hiểm đậy lại cho đỡ hư hao.

Thỉnh thoảng cũng có lúc sóng mạnh lên được một hai vạch. Lúc đó chuông báo tin nhắn hay chuông điện thoại reo lên là phải tranh thủ nghe thật nhanh, chứ chậm trễ một chút là mất sóng và kể như không liên lạc được. Có việc khẩn cấp mà không liên lạc được là phải cử cán bộ hoặc chiến sĩ dùng xe gắn máy vượt đoạn đường 791 dài 5- 7 km đầy gian khổ, để báo cáo với Trạm hay Đồn biên phòng cấp trên.

 Việc sạc pin cho điện thoại cũng là một vấn đề luôn phải tính toán. Vì nơi đây chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng. Từ khi thành lập Chốt biên phòng Tân Thanh đến nay, cán bộ chiến sĩ ở đây sử dụng điện năng lượng mặt trời. Bộ điện năng lượng mặt trời ở đây có công suất nhỏ và đã qua nhiều năm sử dụng nên xuống cấp.

Một số linh kiện của dụng cụ này như bình ắc quy, hệ thống trữ điện đã hư hỏng, không còn sử dụng được, Đồn Tân Phú phải cấp linh kiện để cán bộ chiến sĩ Chốt Tân Thanh lắp ráp, cải tiến lại mới sử dụng được, nhưng điện năng lượng ở đây vẫn rất yếu. “Hôm nào nắng to thì tích đủ điện để xem đủ chương trình thời sự trên ti vi, hoặc nghe radio, sạc pin điện thoại và thắp sáng đến khoảng 21 giờ. Hôm nào mưa thì chỉ đủ điện để sạc điện thoại”, anh Khánh chia sẻ.

“Tủ lạnh” của Chốt biên phòng Tân Thanh đơn giản chỉ là hai chiếc thùng xốp đựng nước đá như thế.

Không đủ điện sinh hoạt dẫn đến nhiều thiệt thòi khác cho những người đang làm nhiệm vụ ở miền biên giới này. Để giữ cho thực phẩm được tươi sống, cán bộ chiến sĩ ở đây phải sử dụng hai chiếc thùng xốp làm “tủ lạnh”. Hằng ngày, “anh nuôi” ở đây phải đi ra Trạm mua 20.000 đồng nước đá để vào thùng xốp, rau, củ, quả, thịt, cá được cho vào hai chiếc thùng ấy rồi đậy nắp lại, lấy gạch dằn lên thật chặt, khi nào cần dùng thì mở thùng ra.

Nước sinh hoạt cũng là một trong những nhu cầu thiết yếu ở đây bị thiếu. Do vùng đất biên giới này bị nhiễm phèn khá nặng nên nước ngầm cũng “vàng khè”. Ở phía sau Chốt có khoan một giếng và hằng ngày dùng máy dầu bơm nước lên để sử dụng, nhưng chỉ có thể dùng vào những việc tưới cây, tắm giặt chứ không thể dùng nấu thức ăn, hay nước uống được. Để có nước phục vụ việc ăn uống, những người sống ở đây phải đi đến những tiệm tạp hóa, cách nơi ở cả chục mét để mua nước lọc về dùng.

Chiếc radio- phương tiện nắm bắt thông tin quan trọng của Chốt biên phòng Tân Thanh.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của cán bộ, chiến sĩ ở đây, cuối năm 2018, ông Nguyễn Minh Triều- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã gửi tặng Chốt một hệ thống lọc nước. Hệ thống này gồm hai bình lọc nước công suất lớn, đủ để cung cấp nước sạch cho cán bộ, chiến sĩ ở đây sử dụng. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống lọc nước này chưa phát huy tác dụng. Bởi vì, để vận hành được hệ thống này, đòi hỏi còn phải có bồn chứa nước đầu vào, chứ không thể dùng máy dầu bơm nước trực tiếp từ giếng vào hệ thống lọc được. Hiện bồn chứa nước bằng inox, loại 1 hoặc 2 ngàn lít và một dàn chân bằng sắt để bồn chứa nước với giá trị khoảng 10-15 triệu đồng vẫn là niềm mơ ước lớn lao của những cán bộ, chiến sĩ ở miền biên cương này.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như thế, nhưng điều chúng tôi ghi nhận được là toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở Chốt biên phòng Tân Thanh vẫn lạc quan yêu đời và vững vàng với nhiệm vụ được giao. Những ngày cuối năm, không khí tết ở đây cũng nhộn nhịp không thua kém những nơi khác. Trước cổng Chốt giăng băng đỏ rực với hàng chữ “Chúc mừng năm mới Xuân Kỷ Hợi 2019”.

Trong khuôn Chốt được quét dọn sạch sẽ. Vài cây mai vàng trước sân đã búp nụ, hứa hẹn nở hoa đúng ngày tết. Hai giỏ quà tết khá to của Tỉnh ủy, HĐHND, UBND, UB.MTTQVN tỉnh Tây Ninh và của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh gửi tặng được trưng bày trang trọng trên nóc tủ.

Thiếu nước sạch, anh em Chốt biên phòng Tân Thanh phải mua nước lọc về dử dụng.

Chiến sĩ trẻ Huỳnh Minh Hiếu, quê ở huyện Bến Cầu, nhập ngũ từ đầu năm 2018 và được đưa về làm nhiệm vụ ở Chốt biên phòng Tân Thanh hơn một tuần nay tâm sự, những ngày đầu về đây nhận nhiệm vụ, thấy đơn vị thiếu thốn đủ thứ cũng cảm thấy buồn, nhưng được sự quan tâm, thương yêu của lãnh đạo đơn vị, của anh em dần dần đã thấy quen và vui hơn.

Đại úy Phạm Đình Thắng cho hay thêm: Ngoài những tiêu chuẩn được hưởng tết theo quy định, sắp tới, Đồn Biên phòng sẽ chuyển đến Chốt thịt heo, gà để bổ sung thêm lượng thịt tươi sống cho anh em trước, trong và sau tết. Mặc dù trước mắt vẫn còn một số khó khăn, nhưng những năm qua, cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn biên giới.

Những phần quà tết quý giá của chiến sĩ Chốt biên phòng Tân Thanh.

Đoàn chúng tôi rời Chốt biên phòng Tân Thanh trong ánh nắng cuối chiều. Trên đường về, không khí trong xe có phần yên ắng hơn so với chuyến lúc đi vào. Có lẽ mọi mọi người đều không khỏi cảm thấy bùi ngùi trước điều kiện sinh hoạt của chốt, nhưng cũng không khỏi khâm phục tinh thần và ý chí của những người lính trẻ đang vượt khó, ngày đêm chắc tay súng giữ gìn bình yên cho biên cương Tổ quốc.

Đại Dương