BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thưởng Tết và những nỗi niềm

Cập nhật ngày: 28/01/2011 - 11:52

Công nhân đi mua sắm quần áo tại một khu chợ tự phát (Châu Thành)

Tết Nguyên đán đã đến rất gần. Trong không khí hối hả, khẩn trương của thời điểm cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… vẫn không quên chăm lo chuyện lương thưởng Tết cho người lao động. Bên cạnh những đơn vị, công ty… có mức thưởng Tết hậu hĩnh, thậm chí “ngất trời” lại có không ít nơi mà người lao động- đặc biệt là những công nhân, viên chức sự nghiệp… lại phải ngậm ngùi với khoản thưởng Tết èo uột của mình.

Các Tết trước, công nhân Khu Công nghiệp Trảng Bàng được thưởng ít nhất là một tháng lương cơ bản. Một số công ty tư nhân khác mức thưởng cũng tàm tạm để công nhân có tiền mua quà Tết cho gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều công ty, thưởng Tết vẫn chỉ ở mức… tượng trưng.

Chị Nguyễn Thị Hoàng đã có 5 năm làm việc cho công ty T.T đóng trên địa bàn xã Bình Minh (Thị xã) cho biết: năm 2010, mức thưởng của công ty được tính từ 1.000 đồng đến 1.200 đồng/ngày công. Nếu đi làm đủ tất cả các ngày làm việc, không nghỉ đau ốm, không nghỉ việc riêng, mức thưởng cuối năm của một công nhân chỉ hơn 300.000 đồng một chút. Tết năm nay, mấy ngày vừa qua công nhân cứ hồi hộp không biết được thưởng Tết bao nhiêu, có khá hơn không. Vì với tình hình trượt giá như hiện nay, khoản tiền 300.000 đồng quả thật chưa đủ để phấn khởi.

Tuy vậy mức thưởng Tết của người lao động tại các doanh nghiệp xem ra còn khá hơn các thầy cô giáo. Với các thầy cô giáo, từ lâu tiền Tết chủ yếu chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Một số trường học nằm ở các vùng thuận lợi hoặc thực hiện tốt việc tự chủ tài chính thì việc chăm lo Tết cho các thầy cô giáo còn được tươm tất một chút. Riêng các trường vùng nông thôn, khó khăn hầu như các thầy cô chỉ có được khoản tiền Tết của UBND tỉnh, nếu thêm nữa bất quá là một ít dầu ăn, bột ngọt, đường từ quỹ công đoàn trường. Tết năm ngoái, tiền Tết do UBND tỉnh hỗ trợ là 200.000/người, năm nay tăng lên 400.000 đồng, tuy số tiền không lớn so với tình hình giá cả cái gì cũng tăng như hiện nay nhưng dù sao cũng khiến các thầy cô giáo phấn khởi hơn đôi chút. Thầy giáo Nguyễn Văn Nảy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Truyện (Châu Thành) tâm sự: cả hai vợ chồng thầy đều là giáo viên, nên phải chật vật, vén khéo lắm mới lo được một cái Tết tương đối. Tuy vậy cứ chịu khó cố gắng rồi cũng đâu vào đó. Chỉ cần sau Tết, học trò trở lại trường đầy đủ là đã thấy “vui như Tết”. Học sinh của trường phần lớn là con em gia đình lao động nghèo, rất dễ xảy ra tình trạng “rơi rụng” sau Tết do các em bỏ học ngang để đi làm cho các xí nghiệp.  

Còn với ngành y, theo nhiều y, bác sĩ ở các trạm y tế xã thì cán bộ nhân viên y tế tuyến xã rất thiệt thòi vì nguồn kinh phí của trạm rất hạn hẹp. Tết đến, công đoàn cơ quan chỉ có thể tặng cho mỗi người một ít bột ngọt, dầu ăn, đường… Bác sĩ Mai Thị Thu Minh, Trưởng Trạm Y tế xã Bình Minh cho biết: thu nhập của y, bác sĩ tuyến xã chỉ dựa vào lương và phụ cấp ưu đãi ngành (25% -35% lương). Các chế độ khác rất thấp: một đêm trực chỉ 10.000 đồng; bồi dưỡng phẫu thuật là 8.600đ/ca, còn khám bệnh, bán thuốc cho nhân dân, trạm y tế xã không được thanh toán tiền công. Với mức thu nhập khiêm tốn, cán bộ nhân viên y tế tuyến xã khó có thể rủng rỉnh túi vào các dịp lễ tết. Chị Nguyễn Thị Nguyễn, y sĩ điều dưỡng Trạm Y tế Tân Bình kể: năm 2010, được nhận 200.000 đồng tiền hỗ trợ Tết, chị đem đi mua 2 ký đậu phộng hết 76.000đ, số tiền còn lại không biết sắm sửa gì coi cho được. Cầm khoản tiền Tết nhỏ bé, khiêm nhường đôi khi chị thấy tủi thân. Công tác 20 năm trong ngành, lương chị hiện chỉ được hơn 3,2 triệu đồng. Như mọi năm, năm nay nhà chị cũng sẽ lại ăn Tết kiểu “đơn giản thôi”.

Cán bộ y tế xã trực, làm việc cả trong những ngày Tết

Trong số những người “cuối năm lương thưởng luống… ngậm ngùi” có cán bộ nhân viên cấp xã. Họ cũng như nhiều người mà chúng tôi đã gặp đều có chút “tâm tư”. Họ chỉ biết mong mỏi kinh tế xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển, cuộc sống của đông đảo cán bộ công chức, viên chức sự nghiệp, người lao động nói chung đều được cải thiện đi lên, công bằng xã hội được đảm bảo- không còn có những khoảng cách quá lớn trong việc thưởng Tết giữa ngành nọ ngành kia, người nọ người kia… Để không còn ai phải tủi buồn mỗi dịp xuân về Tết đến.

H.Kiêm