Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thụt trấp
Thứ hai: 12:58 ngày 16/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đầu tháng hai âm lịch, cao điểm của mùa nắng nóng. Giữa trưa, đồng ruộng vắng bóng người. Toàn cánh đồng đang trải một tấm thảm vàng mênh mông của lúa Đông Xuân vừa chín tới.

Nhìn ruộng lúa được mùa đang tắm nắng trưa, tôi chạnh nhớ những năm tháng xa xưa. Khi nông nghiệp tỉnh nhà chưa phát triển, mỗi năm, cánh đồng quê tôi chỉ làm có một vụ lúa mùa dài ngày. Khoảng tháng tư, tháng năm, tháng sáu âm lịch, nông dân dọn đất và cấy lúa, đến tháng mười một, tháng chạp thu hoạch. Còn tháng giêng, tháng hai, tháng ba... ruộng bỏ không. Nhưng lúc ấy, dù giữa trưa, cánh đồng cũng không thiếu bóng người.

Đó là những người nghèo khó, bất chấp nắng nóng, vẫn bám đồng mưu sinh. Đa phần là trẻ em con nhà khốn khổ phải đi ở đợ chăn trâu, cắt cỏ và những đứa trẻ con nhà nghèo khó phải “long sình, vạch cỏ” bắt cá kiếm sống. Trong hàng ngũ những người “đứng đồng” giữa những ngày tháng hai nắng nung người ấy có anh em tôi hì hụt thụt trấp bắt cá.

Trước kia, trên cánh đồng quê tôi có những lung láng (không có bờ bao) và những đám ruộng lầy (có bờ bao) gần sông rạch rất nhiều cá. Trong những lung láng và ruộng lầy này có những chỗ sâu trũng, nước sình lỏng bỏng, cỏ mọc phía trên phập phồng như “đất không chân”.

Người dân quê tôi gọi những chỗ ấy là trấp. Tháng hai, đỉnh điểm của mùa nắng hạn. Nước dưới rạch cạn kiệt, lung láng và ruộng lầy phơi mặt bùn, còn ruộng gò đất nứt nẻ; chỉ có những chỗ vũng trấp là còn sình và nước. Nhìn trên bề mặt những vũng trấp này thấy có cỏ mọc, đừng tưởng khô cạn, mà nhảy xuống là lún sâu đến lưng quần, đến bụng thậm chí đến ngực.

Đây chính là những điểm trú ngụ lý tưởng của những con cá lóc, trê nù và rô mề (các loại cá bự) mà ít người để ý đến và cũng rất khó bắt. Dù có khôn ngoan ẩn nấp, luồn lách, lặn lâu, chúi sâu trong vũng trấp, nhưng những “miếng mồi” quá ngon kia cũng khó tránh khỏi cặp mắt và đôi bàn tay của một số người bắt cá chuyên nghiệp - trong đó có anh em tôi. Đánh bắt cá ở những vũng trấp này, người dân quê tôi gọi là thụt trấp.

Tầm giữa trưa, cơm nước xong, anh em tôi, cũng như một số thiếu niên và người lớn gần nhà rủ nhau ra đồng thụt trấp. Lúc ấy chưa có dụng cụ đánh bắt cá theo lối huỷ diệt bằng cách chích điện như bây giờ. Dụng cụ đi thụt trấp của anh em tôi là mỗi đứa một cái nơm, một cái liềm và tất nhiên là một cái đụt đựng cá.

Ra đồng, anh em tôi tìm những chỗ vũng trấp tương đối cạn (sình nước khoảng tới lưng quần, hoặc ngang bụng), rồi lấy liềm cắt cỏ dẹp chỗ phập phồng phía bên trên mặt trấp, để lộ ra khoảng trống bùn sình mà mò tìm cá. Do sình, nước sâu và lỏng bỏng trong một khu vực khá rộng, nên rất khó bắt bằng tay không.

Vì vừa mò đụng cá chỗ này, nó “vọt” chỗ khác. Muốn bắt được cá dưới trấp, phải kiên nhẫn quần cho chúng đừ. Nhất là biết cách phối hợp hai ba người dưới một vũng trấp để “chặn đầu, khóa đuôi” chúng, và nhất thiết phải dùng nơm. Khi mò đụng, hoặc thấy cá chạy là phải úp nơm thật nhanh và nhận thật sâu xuống đáy trấp để nhốt cá trong nơm mà bắt.

Giữa trưa nắng nóng, long mình thụt trấp bắt cá trong bùn sình lỏng bỏng nên mau mệt. Vì vậy, anh em tôi cũng thường nghỉ giải lao giữa ca. Khi quần bắt cá vài giờ và được mớ cá trong đụt, anh em tôi tạm nghỉ vài chục phút. Chúng tôi tìm đến những gò đất, có bóng cây mát, rồi lựa hai con cá tràu to; anh tôi tìm chỗ có nước sạch mà rửa bùn trên mình cá, còn tôi đi tìm rơm rạ, vỏ tràm, nhánh cây khô nhóm lửa, nướng trui.

Cá chín, anh em “đánh chén” ngon lành. Được nạp năng lượng bằng cá nướng trui, cái đói và mệt nhanh chóng biến đi, chúng tôi lại trở về vũng trấp mà tiếp tục "quần" cá. Đến xế chiều, gió Nam thổi man mát, trên bầu trời có nhiều cánh diều giấy bay lượn, anh em thu xếp đồ nghề và rời bùn trấp ra về, trên vai mỗi đứa nằng nặng đụt cá.

Về nhà đổ cá ra rổ, toàn là cá ngon. Chị tôi lựa cá tràu, trê, rô ra rọng riêng ở ba lu khác nhau, để chúng không “đánh nhau” mà bị trầy vi, tróc vảy. Rồi sáng sớm mai, chị lựa những con cá ngon nhất bưng ra chợ “chồm hỗm” ở ngã ba giữa xã mà bán. Còn cá chết, và trầy trụa để nhà ăn. Ăn liền không hết, chị xẻ thịt phơi khô, hoặc làm mắm để dành. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, quần thụt hết vũng trấp này, anh em tôi tìm vũng trấp khác. Rồi đỉnh điểm mùa nắng cũng qua.

Mưa đầu mùa tuôn nước xuống ngập ruộng đồng. Những con cá còn lẩn tránh trong những vũng trấp giờ tha hồ vùng vẫy trong nước mưa, tiếp tục sinh sôi nảy nở. Anh em cũng không còn cơ hội long sình thụt trấp bắt cá nữa mà chờ qua tết nguyên đán năm sau, đến tháng hai đỉnh điểm của mùa nắng nóng, lại thụt trấp.

Nông nghiệp ngày càng phát triển, đất đai được cải tạo, những vùng vũng trấp không còn nữa. Cánh đồng quê tôi mỗi năm làm hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu. Hầu hết ruộng đất đều được cơ giới hoá từ khâu làm đất, xuống giống đến thu hoạch. Tháng hai là lúc lúa Đông Xuân chín rộ và bắt đầu mùa thu hoạch. Nhìn chung, cuộc sống bà con quê tôi giờ ai cũng đủ đầy. Trẻ em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Xã nông thôn mới của quê tôi giờ thành phường của một thị xã mới thuộc tỉnh.

Vĩnh viễn qua rồi cảnh trẻ em con nhà khốn khổ phải quanh năm ở đợ chăn trâu cho nhà điền chủ (thường được gọi mục đồng). Và cũng qua rồi cảnh trẻ em con nhà nghèo (như anh em tôi) phải đội nắng tháng hai, đầm mình trong bùn trấp để tìm con cá phụ giúp ba mẹ cải thiện cuộc sống. Những ngày tháng hai đi thụt trấp bắt cá mãi mãi trở thành ký ức khó quên của thời niên thiếu mà anh em tôi cũng như nhiều trẻ em cùng cảnh ngộ đã từng nếm trải.

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục