BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thuỷ lợi Dầu Tiếng: Tình hình thiếu nước tưới ngày càng gay gắt

Cập nhật ngày: 20/02/2011 - 12:01

Mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn cùng kỳ 1,36 m

Sau hai tháng rưỡi mở nước tưới cho vụ đông xuân 2010- 2011, đến giữa tháng 2.2011, mực nước trong hồ Dầu Tiếng hạ xuống mức 20,78m- thấp hơn cùng kỳ đến hơn 1,36m. Dung tích nước còn lại trong hồ ngày 15.2 là 907 triệu m3- ít hơn cùng kỳ trên 200 triệu m3. Trong thời gian qua- tuy Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước, nhưng do nắng nóng kéo dài, cộng thêm hồ phải xả tràn đẩy mặn trên sông Sài Gòn nên tình hình thiếu nước ngày càng gay gắt hơn.  

Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết tình hình thiếu nước đã được dự báo trước, ngay từ khi kết thúc mùa mưa năm 2010, do hồ Dầu Tiếng tích mức nước thấp hơn nhiều so với những năm trước. Ngay từ đầu vụ đông xuân 2010-2011 công ty đã phải áp dụng phương pháp tưới luân phiên để tiết kiệm nước tưới. Những năm trước đây cũng có năm xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, nhưng công ty chưa bao giờ phải áp dụng biện pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ đông xuân. Sau hai tháng rưỡi mở nước tưới, tổng lượng nước đã sử dụng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vào khoảng 280 triệu m3. Qua con số thực tế này cho thấy lượng nước Tây Ninh tiết kiệm được là rất đáng kể. Cụ thể, trong 75 ngày qua, bình quân mỗi ha đồng ruộng chỉ tiêu thụ khoảng gần 5.500m3, trong khi những năm trước trong thời gian này mỗi ha phải tiêu thụ đến hơn 7.000m3. Tuy nhiên- cho dù Công ty đã hết sức cố gắng áp dụng tưới luân phiên và các giải pháp tiết kiệm nước khác như: cho ngưng hoạt động toàn bộ các cửa tràn bên và tràn cuối để nước không bị thất thoát theo hệ thống tràn; đắp các kênh tiêu lớn để giữ nước lại, hạn chế lượng nước thất thoát ra sông; tập trung nạo vét kênh nội đồng, tạo dòng chảy thông thoáng để nước không ứ đọng đoạn trên tràn bờ gây thất thoát… nhưng tình hình thiếu nước vẫn cứ ngày càng gay gắt hơn. Kế hoạch của công ty về tiết kiệm nước để giữ còn nước tưới đến vụ hè thu đang có nguy cơ bị gãy.

Vì sao tình hình thiếu nước diễn ra ngày càng nghiêm trọng? Theo Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh thì ngoài nắng nóng kéo dài, trong thời gian qua có thêm nguyên nhân quan trọng khác là hồ phải xả tràn đẩy mặn cho sông Sài Gòn. Tình hình khô hạn khiến cho nước mặn lấn sâu vào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung cấp nước sinh hoạt của Nhà máy nước Tân Hiệp. Đảm bảo nước sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng, cho nên Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà quyết định cho xả tràn khoảng 30 triệu m3 để đẩy mặn sông Sài Gòn- mặc dù lúc đó hồ đang thiếu nước. Việc xả tràn khiến cho nước trong hồ đã thiếu lại càng thêm thiếu nghiêm trọng hơn. Từ đó đã ảnh hưởng đến kế hoạch giữ nước đến vụ hè thu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Bởi vì lượng nước trong hồ Dầu Tiếng đến giữa tháng 2 chỉ còn sử dụng được có hơn 400 triệu m3, sau khi trừ lượng nước chết. Trong đó, lượng nước dự kiến phải tiếp tục xả tràn đẩy mặn cho sông Sài Gòn trong thời gian tới là thêm 60 triệu m3 nữa. Cho nên nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ hè thu trên địa bàn Tây Ninh là điều chắc chắn.

Làm thế nào giữ nước tưới đến vụ hè thu- ít nhất là đến khi bắt đầu vào mùa mưa? Ông Lê Thành Công cho biết là không có cách nào khác hơn là phải tăng cường thêm các biện pháp tiết kiệm nước tưới. Công ty tính toán rằng để có thể giữ còn nước tưới đến vụ hè thu- cụ thể là đến cuối tháng 5.2011 thì lượng nước cấp cho mỗi ha trong 1 tháng rưỡi còn lại của vụ đông xuân không thể vượt quá 3.000m3. Phải tiết kiệm nước tưới thế nào để đến cuối tháng 3- khi kết thúc vụ đông xuân, mực nước trong hồ Dầu Tiếng vẫn còn ở cao trình trên 19m. Có như thế mới có thể duy trì nước tưới đến cuối tháng 5- lúc đó mực nước trong hồ cũng vừa xuống đến mức nước chết- 17m. Thời điểm cuối tháng 5 hằng năm ở Tây Ninh đã có mưa nên hồ vẫn có thể tiếp tục tưới chống hạn cho vụ mùa 2011.

Kênh cắt nước theo lịch tưới luân phiên

Như vậy, biện pháp tăng cường tiết kiệm nước như thế nào để vừa có thể đảm bảo tăng lượng nước tiết kiệm, vừa đảm bảo đủ nước cung cấp cho cây trồng? Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết là ngoài các biện pháp đã và đang áp dụng, công ty sẽ áp dụng thêm biện pháp hạn chế nước vào ban đêm, bởi vì ban đêm nông dân ít lấy nước vào ruộng. Việc hạn chế nước vào ban đêm sẽ tiết kiệm thêm được khoảng hơn 20% lượng nước tưới. Ở những khu vực nào tiến hành thu hoạch vụ đông xuân trước khi kết thúc vụ thì công ty sẽ giảm nước tưới ngay mà không chờ đến hết thời gian mở nước theo lịch như những năm trước. Ngoài ra, một số tuyến kênh tưới nhỏ với vùng tưới không lớn thuộc hệ thống kênh chính Tây, công ty tính toán có thể giảm bớt 1 ngày tưới trong tuần- từ 4 ngày xuống còn 3 ngày để tiết kiệm thêm nước tưới.

Lãnh đạo Công ty Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh khẳng định rằng việc tăng cường biện pháp tiết kiệm nước chỉ làm cán bộ quản lý thuỷ nông cực nhọc hơn do phải thường xuyên theo dõi và điều tiết nước trên kênh, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân.

Sơn Trần