Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chuyến thăm của Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer tới Bắc Kinh tuần vừa qua làm dấy lên câu hỏi về tính trung lập của Thụy Sĩ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer. Ảnh: AP
Tổng thống Ueli Maurer là một trong số ít các nguyên thủ quốc gia phương Tây tới tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 2 tại Bắc Kinh trong các ngày từ 25-27/4 vừa qua. Nhân chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài tới 7 ngày này, Thụy Sĩ đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc với nội dung tập trung vào thương mại và tài chính.
Cũng tại Diễn đàn Vành đai và Con đường, Tổng thống Maurer đã công khai ủng hộ để Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) giúp phát triển quan hệ giữa châu Á và châu Âu. Ông cho rằng khi được triển khai thuận lợi, BRI sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của người dân trên toàn thế giới.
Tại châu Âu, BRI đã giành được sự ủng hộ của Hy Lạp với đầu tư của Trung Quốc tại cảng Piraeus và Italy với thỏa thuận đầu tư vào hạ tầng cảng Trieste và Genoa.
Theo ông Daniel Warner, một nhà nghiên cứu chính trị, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu cấp cao Graduate tại Geneva, tính trung lập là nét đặc trưng nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ. Trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mở rộng và chính sách Nước Mỹ trước tiên của Chính quyền Mỹ đòi hỏi cần có một sự phân tích nghiêm túc về quan điểm của Thụy Sĩ đối với Trung Quốc và khía cạnh trung lập của nước này trong các chính sách đối với Bắc Kinh. Liệu sự tham gia của Tổng thống Ueli Maurer có đẩy Mỹ ra xa Thụy Sĩ không?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không có mặt trong số 37 nguyên thủ quốc gia tới tham dự diễn đàn. Thậm chí Mỹ còn không cử bất kỳ đại diện nào và Mỹ “tiếp tục bày tỏ quan ngại về những thực tiễn tài chính không minh bạch, quản trị kém, không phù hợp với các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế đã được chấp nhận”, rằng Sáng kiến BRI “làm xói mòn rất nhiều tiêu chuẩn, nguyên tắc đã giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện, duy trì sự ổn định và trật tự dựa trên luật pháp”, theo lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino.
Theo ông Warner, chuyến công du của Tổng thống Maurer thể hiện một sự công nhận có tính thực dụng của Thụy Sĩ đối với tầm ảnh hưởng toàn cầu gia tăng của Trung Quốc.
Chính sách trung lập của Thụy Sĩ được mô tả một cách đơn giản là chính sách của một quốc gia nhỏ bị bao quanh bởi các nước láng giềng lớn. Tuy nhiên, duy trì được sự trung lập không phải là điều dễ dàng.
Trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị toàn cầu, tính trung lập của Thụy Sĩ không còn giống với thời điểm thế giới sau Thế chiến II, khi mà nước này được xem là cầu nối đáng tin cậy giữa khối Liên Xô và phương Tây, với sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Reagan-Gorbachev năm 1985.
Nguồn TTXVN tại Geneva