BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thuyền tống ôn

Cập nhật ngày: 14/02/2020 - 13:58

BTN - Sáng 9.2.2020, nhằm 16 tháng Giêng Canh Tý là ngày chính của lễ Kỳ yên đình Trường Đông, huyện Hoà Thành. Theo chỉ đạo của các cấp chính quyền về phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây ra (vừa mới được định danh là Covid-19), Ban hội đình dừng tổ chức lễ hội Kỳ yên.

Không còn thấy cờ hội bay trên quốc lộ. Cổng đình không giăng băng- ron báo lễ Kỳ yên. Số ít bà con ở quanh đình, quen lệ nhớ ngày là tới, tôi phóng xe tới bến đình. Quả nhiên, quang cảnh đông vui của mọi năm đã không còn nữa. Bến vắng đìu hiu, chỉ có vài chiếc xuồng đậu.

Trên đình chỉ còn có vài cụ trong Ban hội đình cùng với dăm bảy người phụ dọn sau lễ cúng “nội bộ”. Tức là lặng lẽ dâng quả phẩm lên các ban thờ, rồi thắp đèn nhang cúng kiếng, cầu các vị thành hoàng, tiền hiền… tiếp tục bảo hộ cho con dân làng xã được hưởng mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

Gặp cụ Trưởng Ban hội, tôi hỏi:- Thế đình ta năm nay còn nghi thức thả thuyền tống ôn hay không ạ?

Cụ bảo: còn chứ! Đang mùa dịch bệnh càng phải thả thuyền để tống tiễn các quan ôn dịch ấy ra đi. Để cho làng quê mình được yên bình trở lại.

- Vậy ư! Thế thuyền đã thả chưa, thưa cụ?

- Thả rồi, mới độ nửa tiếng thôi, chắc đã xuôi dòng độ vài trăm mét.

Tôi đành tạm biệt cụ, tiếp tục phóng xe xuôi quốc lộ 22, mong thấy được con thuyền đang làm một nhiệm vụ quan trọng theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian. Thật may, tới một bến cát đá của nhà máy bê tông thì gặp. Con nước ròng đang đưa con thuyền chầm chậm theo dòng, do bị lục bình vây kín.

Nhưng vẫn thấy nhô lên tấm mái đóng bằng ván gỗ, cùng những lá cờ xanh đỏ nhấp nhô giữa lá lục bình xanh mướt. Vậy là các cụ trong Ban hội đình Trường Đông đã đóng con thuyền này chắc chắn hơn, như để quyết tống tiễn các ôn dịch ra đi, góp sức với biết bao người Tây Ninh đang phòng chống dịch một cách khẩn trương và quyết liệt. Đấy là cái lý của dân gian. Thể hiện trong một nghi lễ quan trọng bậc nhất của những ngôi đình làng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông hiền hoà thơ mộng.

Năm nay tôi tới muộn, không còn được xem nghi lễ tống tiễn quan ôn trong vắng vẻ ra sao. Bởi lúc tới đình đã 10 giờ 30, vì cứ đinh ninh như mọi năm là tới chính ngọ mới thả thuyền đi theo con nước. Ai ngờ năm nay con nước ròng sớm, Ban hội đình Trường Đông làm sớm lên, vào khoảng 10 giờ.

Lễ tống ôn, cứ theo chữ nghĩa mà suy, thì ôn là ôn dịch, bệnh dịch; còn tống là tống tiễn (hoặc tống cổ) đi. Nghĩa là lễ đưa các loại dịch bệnh ra đi. Ở đâu không rõ, chứ ở đình Trường Đông được các cụ thực hiện chu đáo, lễ nghi tề chỉnh lắm. Trước giờ thả thuyền, người ta trải chiếu, đặt mâm cơm cúng thịnh soạn trước thuyền.

Các cụ trong Ban hội thắp nhang, nói những lời thành tâm đưa tiễn. Xong xuôi, thuyền được các cụ đỡ trên tay, ra bến xuống ghe lớn với cả trống giong cờ mở và lân múa tưng bừng tiễn các ôn đi. Đến giữa dòng, lại chính tay các cụ bê thuyền lên, nhẹ nhàng thả xuống. Trong khi đó thì trên bờ, có cả ngàn người đứng xem, tận tới khi ghe lớn quay về bờ mới chịu ra về.

Ôi, cái lý của dân gian! Có vẻ đến nay có những cái đã không còn linh nghiệm nữa, như dịch bệnh chẳng hạn. Dù năm nào các ngôi đình ven sông cũng thả thuyền, nhưng chúng tiếp tục phát sinh lây lan. Hết cây mì bị bệnh khảm lá vàng, cây bắp bị sâu keo mùa thu, con heo bị dịch tả heo châu Phi tàn phá. Và bây giờ là Covid-19. Có chăng tục lệ thả thuyền tống ôn chỉ còn một vẻ đẹp văn hoá của đình xưa cần gìn giữ, như cách giữ gìn một kỷ niệm của người xưa.

Còn điều chủ yếu vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Mà phòng từ rất xa là bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông trong lành nuôi sống con người, cây trái ven sông và những mùa lúa vàng. Nếu năm xưa, trong kháng chiến gian lao, người bên dòng sông ấy đã thề rằng: “Vàm Cỏ Đông đây, Vàm Cỏ Đông đây/ Ta quyết giữ từng chiếc xuồng tấm lưới cây dầm/ Từng con người làm nên lịch sử/ Và dòng sông trong mát quanh năm…” (thơ Hoài Vũ), thì lẽ nào giữa thời bình lại không thể giữ cho “dòng sông trong mát quanh năm”?

NGUYỄN