Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tia vũ trụ cực mạnh “dội bom” 3 đài thiên văn: Thủ phạm gây kinh hãi
Thứ sáu: 10:28 ngày 09/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong quá trình theo dõi một ngôi sao sắp chết, các nhà khoa học đã phát hiện ra một thứ gì đó quái dị và đáng sợ hơn rất nhiều, cùng lúc làm lóa mắt nhiều hệ thống quan sát thiên văn.

Theo Science Alert, tín hiệu bí ẩn đến từ một thiên hà cách chúng ta hơn 1 tỉ năm ánh sáng và có thể làm thay đổi hiểu biết của nhân loại về những sự kiện bùng nổ mạnh nhất vũ trụ.

Trong phát hiện tình cờ, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ) đã nhận được một "cú sốc" từ vũ trụ dưới dạng tia gamma siêu mạnh, siêu sáng, kéo dài 50 giây.

Ảnh đồ họa mô tả một kilonova tạo ra từ vụ va chạm 2 sao neutron - Ảnh: Dreamstime

Theo Sci-News, tia vũ trụ bí ẩn đó - mang tên GRB 211211A - đã ập vào cùng lúc 3 đài quan sát thiên văn mạnh mẽ trên thế giới bao gồm 2 cơ sở mặt đất là Đài quan sát Bắc Gemini (đặt tại Hawaii), Đài thiên văn Neil Gehrels Swift của NASA và 1 cơ sở quan sát đang hoạt động trên quỹ đạo là Kính viễn vọng Không gian Tia Gamma Fermi.

Các vụ nổ tia gamma (GRB) thường có 2 loại. GRB dài, kéo dài vài giây đến 1 phút, hình thành khi một ngôi sao có khối lượng gấp ít nhất 10 lần Mặt Trời của chúng ta phát nổ dưới dạng siêu tân tinh (supernova). GRB ngắn, tồn tại dưới 2 giây, xảy ra khi 2 vật thể nhỏ gọn, mạnh mẽ - như hai sao neutron hoặc sao neutron và lỗ đen - va chạm để tạo thành một kilonova.

Nhưng GRB 50 giây họ quan sát - mang tên GRB 211211A - không phải siêu tân tinh mà là một vụ va chạm sao neutron hoàn toàn khác biệt, chưa từng thấy trong vũ trụ, theo Tiến sĩ Chris Fryer, nhà vật lý thiên văn tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos.

"Nhóm lập mô hình của chúng tôi đã so sánh quan sát với một bộ mô phỏng siêu tân tinh và kilonova, và chúng tôi không thể khớp tín hiệu một cách thuyết phục với mô hình siêu tân tinh, trong khi một số mô hình kilonova cho kết quả khớp tốt giữa các điểm dữ liệu quang học và hồng ngoại" - tiến sĩ Ryan Wollaeger, cũng từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, giải thích.

Các bước nghiên cứu chỉ ra đó là một vụ va chạm sao neutron đặc biệt trong đó 2 "thây ma" này đã hợp nhất thành một "quái vật lai" kỳ dị, mang siêu năng lượng.

Bản thân sao neutron đơn thuần - phần còn lại của những ngôi sao khổng lồ cạn năng lượng và sụp đổ - đã là một trong những vật thể gây kinh hãi nhất vũ trụ, từ trường có thể gấp hàng trăm ngàn đến hàng triệu lần Trái Đất.

"Phát hiện này đẩy sự hiểu biết của chúng ta về các vụ nổ tia gamma đến giới hạn” - nhóm tác giả cho biết. Họ đã viết 2 báo cáo khoa học về "quái vật lai" và tia gamma từ nó, cả 2 vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Nguồn NLDO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục