Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Huyện Trảng Bàng:
Tích cực chuẩn bị phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn
Thứ bảy: 03:33 ngày 27/02/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Hiện nay, nước mặn chưa xâm nhập vào đến địa phận huyện Trảng Bàng, nhưng qua thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các dòng sông ở miền Tây Nam bộ, nên nhiều nông dân xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) đang lo lắng.

Nhiều nông dân xã Phước Chỉ Làm đất chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu, nhưng lo nước mặn xâm nhập.

Hiện nay, nước mặn chưa xâm nhập vào đến địa phận huyện Trảng Bàng, nhưng qua thông tin của các cơ quan truyền thông đại chúng, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các dòng sông ở miền Tây Nam bộ, nên nhiều nông dân xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) đang lo lắng.

Nhiều nông dân chưa dám xuống giống vụ Hè Thu

Thông thường hằng năm, cứ sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân xong là nông dân xã Phước Chỉ tranh thủ làm đất xuống giống vụ Hè Thu ngay. Còn năm nay, do biết nước mặn đang xâm nhập sâu vào các dòng sông ở miền Tây Nam bộ, nên nhiều nông dân ở đây chưa dám xuống giống.

Ông Lâm Văn Mới (SN 1954), nhà ở ấp Phước Dân, xã Phước Chỉ cho biết, nhà ông làm 10 ha ruộng, đã thu hoạch lúa Đông Xuân xong 5 ha từ trước tết nguyên đán, còn lại 5 ha đang chuẩn bị thu hoạch. 5 ha thu hoạch xong, gia đình ông đã làm đất và xuống giống được 2 ha. Nhưng vừa xuống giống xong, ông biết được tin mặn xâm nhập các cánh đồng ở miền Tây, nên ngưng sạ 3 ha còn lại. 3 ha này gia đình ông bơm nước lên thật đầy để dự trữ nước ngọt, nếu mặn có xâm nhập đến thì ông dùng nguồn nước dự trữ để tưới cho 2 ha đã sạ rồi. Không riêng gì gia đình ông Mới, mà nhiều nông dân khác ở xã Phước Chỉ cũng đang hoang mang lo lắng vì sợ mặn xâm nhập.

Theo số liệu của UBND xã Phước Chỉ, toàn xã có 3.792 ha đất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích này sử dụng nguồn nước tưới từ sông Vàm Cỏ Đông thông qua các tuyến kênh rạch và hệ thống kênh từ trạm bơm Phước Chỉ. Đến ngày 23.2.2016, nông dân đã thu hoạch lúa Đông Xuân 2015-2016 được 2.870 ha (đạt trên 75% diện tích) và đã xuống giống được 620 ha lúa Hè Thu. Số diện tích còn lại là 2.250 ha, từ khi có thông tin nước mặn đang xâm nhập sâu, nông dân ở đây lo lắng nên chưa dám xuống giống.

Lãnh đạo xã Phước Chỉ cho biết, vào năm 2011, nước mặn xâm nhập sông Vàm Cỏ Đông và vào kênh Rạch Tràm thuộc địa phận xã Phước Chỉ, làm ảnh hưởng 126 ha lúa Đông Xuân ở các ấp Phước Long, Phước Bình, Phước Hoà, Phước Mỹ. Nhờ có lượng nước ngọt từ lòng hồ Dầu Tiếng xả xuống, đẩy lùi nước mặn về phía hạ nguồn, mà số diện tích lúa bị nhiễm mặn này chỉ giảm năng suất, chưa bị thiệt hại nặng.

Hiện nay, toàn bộ các cánh đồng lúa ở xã Phước Chỉ đều sử dụng nước tưới từ sông Vàm Cỏ Đông, nên nếu nước mặn xâm nhập sâu vào dòng sông này thì một diện tích không nhỏ lúa bị ảnh hưởng. Để đề phòng nước mặn xâm nhập, UBND xã Phước Chỉ kiến nghị các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng có biện pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời để nông dân ở đây an tâm sản xuất vụ lúa Hè Thu.

Chuẩn bị phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Trảng Bàng, trên địa phận huyện có hai hệ thống sông chảy qua là sông Sài Gòn (chảy qua địa phận 2 xã Đôn Thuận và Hưng Thuận, với chiều dài 18km) và sông Vàm Cỏ Đông (chảy qua địa phận ba xã Phước Lưu, An Hoà, Phước Chỉ, với tổng chiều dài hơn 10km). Đến ngày 23.2.2016, tình hình hạn hán nặng chưa xảy ra trên địa bàn huyện, nên vụ Đông Xuân 2015-2016 chưa bị ảnh hưởng. Nhưng nếu hiện tượng El Nino xảy ra đến tháng 6.2016 thì vụ Hè Thu tới sẽ khô hạn, không sản xuất được. Về tình hình xâm nhập mặn, đến ngày 23.2.2016 cũng chưa xảy ra trên địa bàn huyện, nên vụ lúa Đông Xuân cũng chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND các xã, nếu nước mặn xâm nhập sâu vào sông Vàm Cỏ Đông thì sẽ có hơn 4.700 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó xã Phước Chỉ có nhiều nhất là gần 3.800 ha. 

Để phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, Phòng NN và PTNT Trảng Bàng có những giải pháp: kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn huyện, xã và tập trung các nguồn lực, các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân ra sức phòng chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả. Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với Xí nghiệp Thuỷ lợi, Trạm bơm Phước Chỉ, UBND các xã có đất nông nghiệp ven sông triển khai công tác khảo sát các vùng bị hạn, xâm nhập mặn và thường xuyên cập nhật số liệu làm tham mưu cho UBND huyện và Sở NN và PTNT có hướng chỉ đạo thực hiện tốt công tác chống hạn và xâm nhập mặn. Xác định vùng bị hạn và có khả năng bị hạn; các vùng bị hạn-mặn và có khả năng bị hạn-mặn trong năm 2016 ở các xã để có kế hoạch phòng, chống và biện pháp khắc phục. Đối với những vùng bị hạn, hạn chế việc sản xuất lúa và nuôi trồng thuỷ sản, cần chuyển sang các loại cây trồng có nhu cầu dùng nước ít; đắp chặn các kênh tiêu để lưu giữ nguồn nước; cấp nước tưới luân phiên, đóng nước ban đêm…

Khi xảy ra hạn và mặn xâm nhập, huyện đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà xả nước đẩy mặn. Các đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống đê bao, cống, bọng, các trạm bơm điện và có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn chặn nước mặn xâm nhập để bảo vệ tốt lúa Hè Thu 2016. Khi độ mặn ngoài sông và các kênh rạch chính lên đến mức 2%o (hai phần ngàn) thì ngăn chặn các dòng kênh rạch ở khu vực bị nhiễm mặn, không cho nước vào đồng ruộng.

Thu hoạch lúa Đông Xuân 2015- 2016 xong, nhưng nhiều nông dân xã Phước Chỉ chưa dám làm đất xuống giống vụ Hè Thu, vì sợ nước mặn xâm nhập.

Riêng các xã Phước Lưu, Phước Chỉ thì phối hợp tốt với Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân khi có mặn xâm nhập. Đề nghị Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh rà soát, sửa chữa hoàn chỉnh tất cả hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Trảng Bàng để bảo đảm phục vụ tốt nước sinh hoạt cho người dân trong vùng bị hạn-mặn trong toàn huyện. Các địa phương cần tích cực vận động nhân dân tích trữ nước ngọt bằng các phương tiện dự trữ nước để bảo đảm đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn trong năm 2016.

Phòng NN và PTNT huyện Trảng Bàng cũng đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin hằng ngày về tình hình hạn và xâm nhập mặn đến huyện để huyện kịp thời chỉ đạo phòng chống hạn, mặn ở các xã. Nếu được thì hỗ trợ thiết bị đo độ mặn cho các xã có các cánh đồng ruộng ven sông Vàm Cỏ Đông để thường xuyên đo độ mặn và kịp thời phòng chống xâm nhập mặn. 

N.H

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục