Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để góp phần xây dựng “mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc” trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, những năm qua, Hội LHPN xã Bàu Năng đã duy trì và nâng chất lượng các câu lạc bộ, tổ, nhóm trực thuộc tổ chức Hội liên quan công tác phòng, chống tội phạm như: “Chi hội Phụ nữ không có chồng con vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; “Tổ phụ nữ không có ma tuý”, “Gia đình hạnh phúc” và “Tổ phụ nữ tham gia tố giác tội phạm”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Năng thăm hỏi động viên đối tượng tái hoà nhập cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Năng cho biết, hoạt động nổi bật của các tổ là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phương thức, thủ đoạn của từng loại tội phạm, hậu quả của tội phạm, tệ nạn xã hội, cách phòng chống… đến thành viên trong tổ. Sau đó từng thành viên trong tổ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ; vận động gia đình, người thân gương mẫu không vi phạm pháp luật, không vướng vào tệ nạn xã hội, đặc biệt là vận động thành viên và người thân, hội viên, phụ nữ địa phương thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình an ninh trật tự ở địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện đối tượng khả nghi, các tổ báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý.
Trong thời gian qua các tổ đã cung cấp 49 nguồn tin, nâng tổng số tin do cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ báo từ các mô hình hoạt động của Hội lên 68 tin, giúp công an bắt được 3 vụ trộm chó, 9 điểm đá gà, 8 tụ điểm đánh bạc, 4 tụ điểm cờ bạc trá hình (máy bắn cá), bắt 12 đối tượng tội phạm, 5 đối tượng sử dụng và tàng trữ ma tuý.
Bà Phụng cho biết thêm, nhằm đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, Hội LHPN xã hướng dẫn các chi hội xây dựng, biên soạn và biểu diễn 21 lượt tiểu phẩm có nội dung về phòng, chống tội phạm, ma tuý, mua bán người, mại dâm, văn hoá phẩm độc hại, phòng, chống bạo lực gia đình... như: “Đồng tiền cám dỗ”, “Xin lỗi”, “Thức tỉnh”, “Gia đình Hai Nhái”, “Làm lại cuộc đời”, “Sang thiếu gia”, “Niềm tin ngày mới”, “Yêng hùng xa lộ”... thu hút gần 9.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia.
Thông qua công tác tuyên truyền, Hội LHPN phối hợp Công an xã vận động các hộ gia đình trên địa bàn đăng ký cam kết không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp các ban, ngành thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình có con em vi phạm pháp luật; tổ chức thăm hỏi gần 40 trường hợp, vận động 2 gia đình đưa con em vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội đi giáo dục tập trung; giúp 26 đối tượng nghiện ma tuý, mại dâm, ghi số đề, cá độ bóng đá, đánh bạc... trở thành công dân có ích cho xã hội, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, thông qua hoạt động vay vốn, Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giới thiệu 10 hộ có người thân vi phạm pháp luật được vay vốn với số tiền là 285 triệu đồng để chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ giúp các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Chị K.M, ngụ xã Bàu Năng là đối tượng tù tha, trở về sống tại địa phương cho biết: “Trước đây, tôi không biết luật nên có vi phạm pháp luật, bị toà án xử phạt 4 năm tù giam về tội “môi giới mại dâm”, quá trình cải tạo, tôi chấp hành nội quy tốt nên được về trước thời hạn, khi về địa phương tôi rất mặc cảm, không dám nhìn ai, rất may là Hội LHPN xã đã thường xuyên đến nhà động viên, an ủi giúp tôi xoá bỏ mặc cảm, ổn định cuộc sống. Chi hội Phụ nữ cho vay một số tiền của vốn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo. Từ đó đến nay, hơn 1 năm tôi đã ổn định cuộc sống. Tôi rất cảm ơn Hội LHPN xã Bàu Năng”.
Được biết, nhiều năm qua, Hội LHPN xã Bàu Năng duy trì hoạt động tốt mô hình “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” là do biết cảm thông, chia sẻ với các đối tượng vướng vào tệ nạn xã hội, khách quan trong nhìn nhận vấn đề để tìm ra đúng nguyên nhân vụ việc, từ đó giải quyết hợp lý, hiệu quả, từ mạnh dạn, kiên quyết đến mềm dẻo, kiên trì, không ngại khó trong thực hiện mô hình. Quan trọng hơn là các tổ, các mô hình nắm bắt được tình hình tư tưởng, phân loại nhóm đối tượng để có nội dung, hình thức tuyên truyền, mô hình tập hợp phù hợp, hiệu quả; phối hợp các ngành chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay ổn định cuộc sống gia đình.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Hội Phụ nữ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu được tuyên dương vì tổ chức được “Câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật” . Đây là mô hình hoạt động hiệu quả cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
SÔNG NINH