Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tích cực khắc phục hậu quả vụ “lúa giống lẫn tạp”
Thứ hai: 16:11 ngày 23/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên, ông Nghĩa cùng nhiều cán bộ Khuyến nông đã đến từng hộ gia đình bị thiệt hại để thăm hỏi và xin lỗi bà con nông dân về những lỗi sơ suất trong quản lý, kiểm tra dẫn đến tình trạng lúa giống bị lẫn tạp.

Ruộng lúa bị nhiễm lúa chiêm.

Vừa qua, kết luận thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xác định trách nhiệm các cá nhân trong vụ việc này.

Theo đó, các ông Lê Trung Nghĩa, Phó trưởng Trại Thực nghiệm trồng trọt; ông Lê Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng (đại lý Vũ Hoàng) có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ người nông dân bị thiệt hại do sử dụng giống OM1352 của Trung tâm Khuyến nông bị lẫn tạp.

Trong những ngày qua, theo ghi nhận của phóng viên, ông Nghĩa cùng nhiều cán bộ Khuyến nông đã đến từng hộ gia đình bị thiệt hại để thăm hỏi và xin lỗi bà con nông dân về những lỗi sơ suất trong quản lý, kiểm tra dẫn đến tình trạng lúa giống bị lẫn tạp.

Ông Nghĩa cũng mong muốn được chia sẻ thiệt hại với bà con bằng cách bồi thường tiền lúa giống trong vụ sản xuất vừa qua.

Anh Lê Tấn Khải (ngụ ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành)- một hộ nông dân bị thiệt hại do sử dụng lúa giống kém chất lượng chia sẻ, việc sử dụng lúa giống OM1352 kém chất lượng dẫn đến thiệt hại ước tính từ 10 - 20% năng suất so với mọi năm, nhưng anh cho rằng đây là sự cố đáng tiếc của ngành nông nghiệp.

Ðồng thời, nhận thấy với thái độ cầu thị của những cán bộ có liên quan nên anh rất thông cảm và chỉ nhận đủ phần tiền lúa giống đã mua trước đó.

Còn ông P.V.Ð (nông dân tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Ðiền) có gần 1,5 ha gieo sạ giống lúa OM 1352 bị lẫn tạp cho biết, năng suất lúa vụ rồi bị giảm nhiều.

Khi nghe ông Nghĩa giải thích lý do dẫn tới sự cố nên ông thông cảm và đồng ý nhận phần bồi thường tiền lúa giống. Tuy nhiên, ông Ð cho rằng, qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng nên rút kinh nghiệm để không mất lòng tin của người dân.

Nhiều người khác cũng cùng suy nghĩ như các hộ trên nên đã chấp thuận tiền bồi thường phần lúa giống đã mua mà không yêu cầu gì thêm.

Theo ông Lê Trung Nghĩa, đa phần mọi người đều thông cảm và đồng ý nhận lại tiền lúa giống. Dù vậy, cũng còn một số hộ do thiệt hại nhiều nên muốn được đền bù thoả đáng.

Anh Thái Quốc Dũng (ngụ ấp Thanh Hùng, xã Thanh Ðiền) canh tác hơn 4 ha lúa giống OM 1352 bức xúc nói: “Người nông dân sống nhờ đồng ruộng. Tất cả chi phí trong gia đình đều trong chờ vào vụ thu hoạch lúa.

Thế nhưng, do lúa giống bị lẫn tạp mà tôi bị thiệt hại gần 50 triệu đồng. Do đó, nếu những cá nhân có liên quan chỉ trả lại tiền lúa giống là quá thiệt thòi cho người nông dân”.

Ông Phạm Văn Lên (ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Ðiền) cho biết, vụ Ðông Xuân năm nay, gia đình ông thiệt hại nặng do trồng 4,5 ha lúa giống bị lẫn tạp nên cần được bồi thường thoả đáng. Tương tự, một hộ nông dân khác cũng yêu cầu được bồi thường như vậy.

Còn ông N.V.C (ngụ ấp Thanh Hoà, xã Thanh Ðiền) lo lắng: hai vụ sản xuất lúa vừa qua, ông đều gieo sạ phải lúa giống kém chất lượng. Ông lo đến vụ sau, lúa lẫn còn sót lại sẽ tiếp tục gây thiệt hại nhiều hơn, nên mong cơ quan chuyên môn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ nông dân xử lý hiệu quả nguy cơ này.

Thanh Bình

Tin cùng chuyên mục